Đối với một số người, làm freelance là một lựa chọn về lối sống. Có thể họ thích “cuộc phiêu lưu” được làm chủ chính mình hoặc cảm giác hồi hộp khi một mình thực hiện tất cả công việc. Với một số người khác, họ chọn freelance vì muốn tự tạo “áp lực” cho bản thân. Khi đó, họ phải luôn cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa thay vì để “dòng đời đưa đẩy”.
Bất kể lý do bạn chọn freelancer là gì thì có rất nhiều điều cần làm để thành công cũng như có rất nhiều sơ suất có thể xảy ra khiến bạn thất bại. Và dưới đây là 6 sai lầm tệ nhất mà bạn có thể mắc phải khi bắt đầu làm việc như một freelancer, hãy cùng tham khảo và phòng tránh nhé.
Bắt đầu mà không có kế hoạch
Trước khi chính thức gia nhập vào hàng ngũ freelancer, bạn cần nghiên cứu thị trường hoạt động và lên kế hoạch hoạt động để đạt được kết quả tốt nhất, cụ thể là sản phẩm/dịch vụ của bạn là gì, mức phí là bao nhiêu, mức độ cạnh tranh, điểm yếu và điểm mạnh của bạn cũng như cách để marketing hiệu quả… Nếu không làm việc này, có nhiều khả năng bạn sẽ rơi vào tình huống khó khăn. Tệ hơn, bạn có thể sẽ gặp tổn thất về tài chính vì đã đầu tư chi phí và thời gian một cách không phù hợp. Do đó, hãy thận trọng và có cái nhìn thực tế về cách bạn tiếp cận hình thức làm việc này.
Không biết tính thù lao như thế nào
Nên tính phí thế nào có lẽ là điều mà hầu hết những người mới bắt đầu làm freelance quan tâm đến. Nếu tính phí quá cao, bạn không thể chốt giao dịch hoặc sẽ khiến khách hàng thất vọng. Nếu mức thù lao quá cao, chắc chắn khách hàng sẽ nghi ngờ về chất lượng công việc của bạn. Để có được mức giá hợp lý, cách đơn giản nhất là xin ý kiến tham khảo của những freelancer có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực.
Thiếu kỹ năng giao tiếp qua email
Rất nhiều công việc freelance được thực hiện trực tuyến và email là một trong những cách thuận tiện để bạn nói chuyện với khách hàng của mình. Nếu là freelancer mới, bạn có thể nghĩ rằng không cần lo lắng về các kỹ năng chăm sóc khách hàng, nhưng đây có thể là một suy nghĩ sai lầm.
Là một freelancer, uy tín và khả năng tìm được hợp đồng mới của bạn phụ thuộc rất nhiều vào ba điều: chất lượng công việc, khả năng đáp ứng đúng thời hạn và bạn là người nhiệt tình, cẩn thận. Vậy làm thế nào khách hàng của bạn biết về sự tận tâm của bạn? Phần lớn là thông qua cách bạn giao tiếp trong email. Nếu bạn cư xử thiếu tôn trọng hoặc không phản hồi khi nói chuyện với khách hàng, bạn sẽ không phải là một đối tác đáng tin cậy.
Chỉ chú tâm đến các dự án lớn và quan trọng
Khi bắt đầu làm freelancer, bạn có thể sẽ phải đảm nhận những công việc không lý tưởng. Bởi lúc này, khách hàng mơ ước của bạn đã chọn làm việc với các freelancer có uy tín hơn. Nếu chỉ chờ đợi và chú tâm đến những dự án lớn nhất, quan trọng nhất, bạn sẽ lãng phí thời gian và sự nghiệp của bạn bị đình trệ.
Bạn nên có ý tưởng rõ ràng về một dự án tuyệt vời trông sẽ như thế nào nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn nhận các công việc có phần “nhẹ cân” hơn. Bạn đang bắt đầu bước vào con đường freelance và thực hiện nhiều công việc khác nhau sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh trước khi phát triển dịch vụ của mình.
Hứa hẹn quá nhiều
Nhằm chốt được thỏa thuận với khách hàng, nhiều freelancer mới sẵn sàng hứa hẹn tất cả mọi thứ. Nhưng đến lúc thực sự bắt tay vào việc, họ mới nhận thấy rằng mình phải làm quá nhiều việc. Từ đó, chất lượng công việc bị ảnh hưởng và điều này khiến khách hàng không hài lòng.
Vậy nên, hãy tỉnh táo suy nghĩ kỹ về những điều bạn có thể cung cấp. Và nếu một khách hàng “thúc ép” bạn nhận thêm nhiệm vụ, hãy mạnh dạn từ chối. Đó là cách bạn đảm bảo chất lượng công việc và điều đó thường có nghĩa là tránh được những lời phàn nàn.
Không biết cách xử lý những lời chỉ trích
Nhiều người mới bước chân vào con đường freelance thường không sẵn sàng chấp nhận những lời góp ý hoặc từ chối từ khách hàng. Họ cảm thấy mất tinh thần và kiệt sức nhanh chóng. Trái lại, những freelancer kỳ cựu sẽ “cứng cỏi” hơn với những ý kiến tiêu cực và chủ động tìm giải pháp mà khách hàng của họ mong muốn. Nói chung là họ quản lý cảm xúc một cách chuyên nghiệp hơn.
Là một freelancer, công việc của bạn là tìm ra những điều khiến khách hàng hài lòng. Do đó, hãy cố gắng tìm hiểu những gì họ muốn, lí tại sao họ cần điều đó, đưa ra giải pháp và chuẩn bị tinh thần cho việc chỉnh sửa.
Đặng Hảo
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply