Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện là một trong những kỹ năng mà hầu hết mọi người đều cần có để thành công trong thời đại ngày nay. Nó cho phép bạn nhìn sự việc từ nhiều quan điểm khác nhau, phát hiện ra nhiều giải pháp cho một vấn đề và đưa ra cách xử lý hiệu quả hơn. Bằng cách nhìn thấy nhiều mặt khác nhau, bạn sẽ nâng cao sự linh hoạt về nhận thức, do đó bạn sẽ thành công hơn trong công việc và cuộc sống.
Vậy bạn có phải là người có tư duy phản biện? Câu trả lời sẽ là “Có” nếu bạn thường xuyên thấy mình có những biểu hiện sau đây.
Dấu hiệu bạn là người có tư duy phản biện
Bạn dễ dàng trò chuyện với người khác quan điểm
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của người có tư duy phản biện là họ không sợ các cuộc tranh luận lành mạnh. Họ tin rằng bất cứ ý kiến có giá trị nào cũng nên được xem xét kỹ lưỡng, vì vậy họ hoan nghênh các cuộc trò chuyện với những người có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Mặc dù có thể họ sẽ không thay đổi suy nghĩ sau cuộc thảo luận này nhưng họ rất biết ơn vì đã có cơ hội tiếp cận được nhiều cách nhìn mới lạ.
Bạn tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau
Bạn không chỉ lắng nghe ý kiến của một phía vì bạn tin rằng mình sẽ không có một bức tranh rõ ràng hơn nếu làm như vậy và đó là lí do tại sao bạn thường tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Bạn muốn biết suy nghĩ của mọi người trước khi đưa ra ý kiến.
Bạn có rất nhiều câu hỏi
Nếu bạn là người có tư duy phản biện thì bạn thường sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi. Bạn là người rất tò mò và thậm chí bạn có thể làm phiền mọi người xung quanh vì sự tò mò của bạn. Bạn muốn biết tất cả các khía cạnh của một câu chuyện và đó là lý do tại sao bạn tin rằng mình cần xác minh lại mọi thứ trước khi đưa ra quyết định.
Bạn bị lôi cuốn về cách mà mọi thứ hoạt động
Bạn luôn bị cuốn hút bởi cách mọi thứ hoạt động và bạn có một khát khao kiến thức không thể dập tắt. Bạn luôn cố gắng học hỏi những điều mới và bạn sẽ không đánh đổi sự tò mò của mình cho bất cứ điều gì trên thế giới, bởi vì đó là thương hiệu của bạn. Bạn thường được gọi là mọt sách hoặc người nghiện tin tức, nhưng điều đó không làm phiền bạn vì bạn coi đó là một lời khen.
Bạn sẵn sàng thay đổi suy nghĩ nếu phát hiện ra mình đã sai
Người có tư duy phản biện biết rằng mình không thể luôn luôn đúng. Họ rất cởi mở với việc không thể tìm ra giải pháp cho tất cả mọi thứ, và khi điều đó xảy ra họ sẵn sàng thừa nhận.
Bạn tránh phân tích quá mức dẫn đến “tê liệt” trong việc ra quyết định
Mặc dù người có tư duy phản biện thích tìm hiểu mọi mặt của vấn đề nhưng họ có cảm giác khi nào họ có đủ thông tin để đưa ra quyết định. Họ biết rằng họ sẽ không bao giờ có tất cả các thông tin họ muốn, thế nên họ không bị cuốn vào việc tìm hiểu và vô tình để điều đó ảnh hưởng đến khả năng hành động.
Bạn có các ý tưởng sáng tạo và độc đáo
Những người có tư duy phản biện phần lớn là người có đầu óc sáng tạo. Họ không thích sử dụng những gì đã được tiêu chuẩn hóa để giải quyết một vấn đề cụ thể – nếu có một cách khác, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn, họ chắc chắn sẽ sử dụng nó hơn là mô hình cũ. Họ thích suy nghĩ theo hướng mới mẻ hơn, những khuôn mẫu chỉ khiến họ chậm lại.
Nếu bạn không có các dấu hiệu trên đây thì cũng đừng quá lo lắng. Tin tốt là kỹ năng tư duy phản biện có thể học được. Thực hành 4 bước sau đây sẽ giúp bạn trở thành người có tư duy phản biện.
Đặt câu hỏi
Chúng ta thực hiện hàng trăm lựa chọn mỗi ngày mà đôi khi không nghĩ quá nhiều về chúng. Trong cuộc sống bận rộn hiện nay thì đó là điều cần thiết nhưng sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta dừng lại một chút và cố gắng nhìn nhận vấn đề bằng đôi mắt khác. “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?” là câu hỏi thử thách chế độ hoạt động thông thường của bạn. Bạn có thể hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm điều này khác với cách tôi làm bây giờ?” hoặc “Chuyện gì xảy ra nếu tôi thay đổi các quy trình?”… Thường xuyên đặt những câu hỏi như thế này là một cách tuyệt vời để cải thiện kỹ năng tư duy phản biện của bạn.
Tìm kiếm thông tin
Một khi bạn đã hỏi mọi câu hỏi về một vấn đề, hãy tìm kiếm thông tin sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó. Bạn có thể tìm thấy mọi thứ trên internet nhưng đó không phải là nguồn duy nhất. Hãy hỏi mọi người xung quanh bạn và thu thập các ý kiến khác nhau đó.
Phân tích thông tin
Bạn đã có thông tin và giờ là lúc để phân tích tất cả với một tâm trí cởi mở. Đây là phần thử thách nhất bởi chúng ta đều ít nhiều có những định kiến về bất cứ vấn đề nào. Vậy nên, hãy cố gắng nhận ra các thành kiến đó và gác chúng sang một bên. Đây là lúc bạn cần xem xét đánh giá thông tin có được một cách vô tư nhất. “Tôi có đang suy đoán?”, “Tôi đã xem xét tình hình từ mọi quan điểm khác nhau?… là những câu hỏi nhắc nhở bạn giữ được sự khách quan, không thiên lệch.
Truyền đạt giải pháp
Người có tư duy phản biện quan tâm đến các giải pháp hơn là đổ lỗi, phàn nàn hoặc buôn chuyện. Khi bạn đã đi đến kết luận thông qua tư duy phản biện, đã đến lúc trình bày và thực hiện giải pháp nếu được yêu cầu. Đây là lúc để thể hiện sự đồng cảm và khả năng ăn nói khéo léo. Không phải tất cả mọi người tham gia đều hiểu về tình hình như bạn, do đó hãy trình bày các giải pháp theo cách mà mọi người đều có thể hiểu.
Huỳnh Trâm
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply