Nổi bật trong phiên chất vấn về vấn đề văn hóa, xã hội là phần tranh luận của đại biểu Quốc hội về phim Đất rừng phương Nam, về việc hoa hậu Ý Nhi gây lùm xùm trong dư luận.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch về giải pháp để bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng “bạo hành”.
Nói về vụ việc liên quan đến hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam, đại biểu nhận xét bị “ném đá”, “dập cho tơi bời” trên mạng xã hội. “Lúc này ai bảo vệ họ và cách thức ra sao chứ góp ý theo kiểu “đập cho chết” thì rất nguy hiểm”, đại biểu nêu quan điểm.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, theo quy định của Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim đã họp, xem xét, cấp phép để hoạt động. Theo đánh giá của Hội đồng, bộ phim này không vi phạm pháp luật.
Còn chuyện dư luận cho rằng có những biểu hiện này, biểu hiện khác, theo Bộ trưởng, cần phải được xem xét và tính toán. “Nếu như có vấn đề xúc phạm, bôi xấu thì theo các quy định hiện hành để xử lý”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, dư luận xã hội là hình thức biểu hiện trạng thái ý thức của xã hội rất bình thường. Dư luận có đúng, sai, tốt, xấu nhưng không phải là để “đánh cho ai đó chết”, mà là góp ý, nêu quan điểm và để làm cho mọi thứ rõ ràng và tốt đẹp hơn.
Đại biểu băn khoăn, “không có lửa làm sao có khói” và lập luận, bộ phim được Hội đồng kiểm duyệt ngày 29/9, bảo đúng nhưng đến ngày 15/10 lại đề nghị sửa, sau khi lắng nghe dư luận. Như vậy, chất lượng kiểm định phim và trách nhiệm của Cục Điện ảnh chưa cao.
Đáp lại, Bộ trưởng quả quyết: “Nếu cần mở lại băng ghi âm, tôi khẳng định là, nếu có các biểu hiện bôi nhọ và bêu xấu thì phải nghiêm túc xử lý”.
Bộ trưởng nhận định, khen, chê, có ý kiến khác nhau với một tác phẩm điện ảnh là câu chuyện rất bình thường. Nhưng rõ ràng trong văn hóa ứng xử, không thể chấp nhận thói phán xét, thói quy chụp, bôi xấu, bôi nhọ.
Nói về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, đây là điều khiến ngành giáo dục rất quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để cùng cả nước, cùng các địa phương xử lý vấn đề.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về giải pháp đẩy lùi bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng nhau ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực học đường.
Về thực trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan xác nhận, chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp xử lý.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ y tế, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, thiếu thuốc là chuyện cấp thiết, đã xảy ra từ lâu. Người bệnh phải nằm viện rất khó khăn, thuốc kê đơn bên ngoài rất đắt, không phải ai cũng mua được.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đặt vấn đề, sử dụng sao cho có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động. Cần có kế hoạch gì để đảm bảo xuất khẩu lao động với cơ cấu hợp lý, không làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Trao đổi lại với đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, bình quân một năm, Việt Nam đưa khoảng 120.000-143.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Duy trì cơ cấu 500.000-600.000 lao động làm việc ở nước ngoài thường xuyên là hợp lý. Lực lượng này đem lại cho đất nước 3,5-4 tỷ USD mỗi năm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply