Xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) được biết đến là thủ phủ của loài cây dó trầm (hay còn được gọi là cây dó bầu, trầm dó, trầm hương) vì có diện tích trồng lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh. Địa phương này có hơn 1.700 hộ dân (100%) trồng dó trầm với diện tích trên 350ha.
Theo các cụ cao niên, cây dó trầm trước đây được người dân trồng trong vườn nhà, song chưa thực sự hiểu về giá trị của cây bản địa này.
Đến những năm 1980 của thế kỷ trước, nhiều người ở Huế, Đà Nẵng tìm đến đây thu mua. Dó trầm bỗng chốc trở nên có giá trị cao.
Trước đây, để có trầm hương, ngoài số cây ít ỏi trong vườn, người dân phải vào rừng sâu tìm trầm.
Vài chục năm trở lại đây, người dân đầu tư trồng cây dó trầm kín diện tích vườn và tự cấy ra trầm nhân tạo. Từ đó, nghề làm trầm ở xã Phúc Trạch được hình thành và phát triển.
Nhiều năm trở lại đây, cây dó trầm càng được thị trường ưa chuộng. Bởi, từ lâu, trầm hương được xem là dược liệu quý có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Hương trầm có mùi thơm dịu ngọt đặc biệt, khi đốt giúp ổn định trạng thái tinh thần, hỗ trợ chữa bệnh và xua đuổi côn trùng.
Quan niệm dân gian cũng cho rằng sử dụng sản phẩm từ trầm hương có ý nghĩa mang lại may mắn, sự thuận lợi trong làm ăn kinh doanh, sức khỏe dồi dào và gia đạo bình an.
Nắm bắt điều đó, người dân địa phương đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư máy móc sản xuất đa dạng các sản phẩm từ trầm hương cho hiệu quả cao.
Ở xã Phúc Trạch hiện có 6 cơ sở sản xuất, chế tác cây dó trầm cho các sản phẩm hàng hóa, gồm hương, vòng đeo tay, đồ mỹ nghệ. Một số cơ sở đạt doanh thu trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết dó trầm là cây chủ lực trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương miền núi này, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Nghề trồng, khai thác và chế tác sản phẩm từ cây dó trầm đã trở thành nghề truyền thống ở địa phương. 5 cơ sở, hợp tác xã đã đạt chuẩn OCOP 3 sao với sản phẩm từ cây dó trầm.
Cây dó trầm đã đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2022 đạt 56,4 triệu đồng. Năm 2023, ước đạt thu nhập bình quân 58,1 triệu đồng/người.
“Năm 2022, tổng doanh thu toàn xã từ cây dó trầm đạt 90 tỷ đồng, năm nay tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 95 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc phát triển những sản phẩm từ trầm hương sẽ là những hàng hóa giá trị phục vụ cho du khách trong lộ trình phát triển du lịch của địa phương”, ông Khánh thông tin.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply