Phát triển đoàn viên những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn
Tại diễn đàn “Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở”, nằm trong khuôn khổ hoạt động bên lề tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra chiều 29.11, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới, ngày 12.6.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Theo ông Khang, Nghị quyết số 02 đã đề ra mục tiêu: xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra, đó là: đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn, các đại biểu thảo luận, đề xuất sáng kiến kinh nghiệm, những giải pháp đột phá, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân lao động chưa có tổ chức công đoàn; phấn đấu đến năm 2028 hệ thống công đoàn cả nước có 15 triệu đoàn viên; đồng thời, xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Đơn giản hóa thủ tục kết nạp đoàn viên
Trước bối cảnh tình hình mới, nhất là khi Chính phủ ban hành hướng dẫn việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam), bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam, cần thiết phải có những giải pháp căn bản, đột phá để đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, chăm lo ngày càng tốt hơn lợi ích cho đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên; đánh giá, phân loại đoàn viên; các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn, nhất là việc phân định chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm… cần được các đại biểu thảo luận tại đại hội.
Để thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn, ông Nguyễn Chính Hữu, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, cho rằng trước hết phải đổi mới phương thức kết nạp, phát triển đi đôi quản lý đoàn viên, tập trung thành lập công đoàn cơ sở, chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng chủ động, thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo của tổ chức công đoàn ngay từ đầu.
“Đổi mới sinh hoạt công đoàn làm sao để đảm bảo hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt công đoàn. Đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi có nguyện vọng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn hoạt động đối với các công đoàn cơ sở khó khăn, các công đoàn cơ sở mới thành lập”, ông Chính Hữu kiến nghị.
Ngoài ra, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội cho rằng, để thu hút, tập hợp đoàn viên, công đoàn cần tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. “Tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi này, mang lại ngày càng nhiều hơn các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động… Các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi lúc, đảm bảo chu đáo, kịp thời, hiệu quả, tạo niềm tin để người lao động tham gia và gắn bó với tổ chức công đoàn”.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply