Đó là chia sẻ về đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh của Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại cuộc họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sau phiên bế mạc sáng nay, 3.12.
Tại phiên bế mạc, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo 8 kiến nghị của người lao động gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Một trong những kiến nghị được quan tâm là tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh.
Lý giải về điều này, ông Hiểu cho biết: “Trước đây, khi cho ý kiến bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB-XH có cung cấp thông tin về số ngày nghỉ của thế giới và các nước Đông Nam Á. Hiện nay, hầu hết các nước này có số ngày nghỉ, lễ tết trong năm từ 15 – 16 ngày, trong khi Việt Nam chỉ nghỉ 11 ngày. Điều này đặt ra vấn đề cần phải tăng số ngày nghỉ”.
Theo ông Hiểu, khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đi thực tế để sửa đổi bộ luật Lao động, nhiều chia sẻ của người lao động rất giản dị nhưng rất xúc động. “Có những công nhân chảy nước mắt khi nói với chúng tôi, ước mong của họ là được đưa con đến trường ngày khai giảng. Với công nhân làm ca kíp, dây chuyền, nếu không phải là ngày nghỉ thì việc này chỉ là ước mơ. Thấu hiểu nguyện vọng của người lao động, chúng tôi đề xuất số ngày nghỉ thêm vào dịp 2.9, gắn với khai giảng để giải quyết nguyện vọng này”.
Ông Hiểu dẫn chứng: “Trung Quốc họ nghỉ Quốc khánh cả tuần, đó cũng là tham khảo rất quý đối với Việt Nam khi lựa chọn ngày nghỉ. Khi cuộc sống của người lao động mỗi ngày 1 tốt hơn, thu nhập ngày càng cao hơn, việc đặt ra vấn đề tăng thêm ngày nghỉ là cần thiết”.
Theo ông Hiểu, việc đưa con đến trường đi khai giảng là cử chỉ nhân văn, cũng là gắn kết giữa cha mẹ với con cái. “Chúng ta cần phải sớm tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động, khi bản thân tổng ngày nghỉ đang thấp hơn so với khu vực và kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển”, ông Hiểu bày tỏ.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, trên thực tế không phải khi nào làm việc cật lực cũng cải thiện được thu nhập. Trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cao trình độ tay nghề lao động, ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp tốt hơn… không nên chuyển hết năng suất, kết quả lao động lên vai người lao động.
“Chúng tôi nghĩ rằng trong trong lần sửa đổi luật bộ Lao động sớm nhất, hoặc thậm chí không đợi đến khi sửa luật, chúng ta có thể lựa chọn những quy định cấp thiết, trong đó có giảm giờ làm chính thức và tăng số ngày nghỉ cho người lao động. Đối với công nhân, việc dành thời gian cho gia đình cũng là dành thời gian cho những đứa trẻ, đấy là chúng ta đang nghĩ tới thế hệ tương lai của đất nước, nghĩ đến nguồn nhân lực lâu dài”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply