Nhận định trên được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu tại buổi làm việc với liên doanh The Vos (Vos Gact) và Intertex về vấn đề đào tạo nhân lực cho phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam, chiều 6/12.
Tại cuộc gặp gỡ, nhắc lại chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP28 (Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu) tại Dubai vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, trước bạn bè quốc tế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu trách nhiệm và cam kết trong việc tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.
Nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đã và đang tái khẳng định nỗ lực chung tay với cộng đồng quốc tế, biến cam kết về việc ứng phó thành những hành động cụ thể.
“Hiện nay thị trường tín chỉ carbon trên thế giới rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.
Về chuyển đổi thị trường carbon, tín chỉ carbon, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn nhưng nếu không nắm bắt, hành động sớm, triển khai sớm sẽ tụt hậu so với thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tại buổi làm việc, TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kì vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050.
Uớc tính Việt Nam có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương với 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.
Ông Thế cho rằng, thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là mắt xích quan trọng giúp Việt Nam vận hành được thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên môi trường trong nước vẫn chưa có chương trình hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ, bằng cấp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng “0” vào năm 2050, ông Thế cho hay, Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
Theo tính toán của The Vos, với trữ lượng rừng của Việt Nam và thị trường về dấu chân của carbon, nếu 1 người phụ trách 100ha rừng, thì cần đến 150.000 người làm công việc kê khai.
Trong bối cảnh như vậy, The Vos và Intertek đề đạt được hợp tác với Bộ Lao Động – Thương binh và Xã Hội cho 11 chương trình đào tạo, trong đó có chương trình đào tạo tín chỉ carbon.
Hoan nghênh The Vos đã đến tham vấn cho Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề thị trường carbon, tín chỉ carbon, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, không riêng Bộ Lao động mà nhiều bộ, ngành khác chưa thực sự nắm sâu lĩnh vực này.
Trước những khó khăn đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẵn sàng lắng nghe, hợp tác và tạo điều kiện cho liên doanh The Vos (Vos Gact) và Intertex trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Về phía ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Cục Việc làm chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về thị trường carbon, tín chỉ carbon tới toàn thể cán bộ, người lao động thuộc Bộ.
Qua buổi làm việc, lãnh đạo Bộ thống nhất để 4 trường đại học trực thuộc Bộ cùng Trường Cao đẳng Lào Cai làm điểm, giao hiệu trưởng các trường trực tiếp đàm phán, ký kết chương trình đào tạo nhân lực tín chỉ carbon.
“Quan trọng phải xác định đối tượng người học cho chuẩn, trước mắt làm điểm trong khối trường học. Các trường phải khảo sát thật kỹ để hướng người học tới chương trình phù hợp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply