Những ngành nghề cắt giảm lao động
Theo báo cáo về tiền lương và thị trường lao động mà được Navigos Group vừa công bố, năm 2023, không nằm ngoài biến động chung của thị trường tuyển dụng trên thế giới, tình hình lao động tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có đến 82% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết bị ảnh hưởng, hơn 68% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự để ứng phó với giai đoạn đầy thách thức này.
Khảo sát về tiền lương thực hiện ở quy mô 23 ngành hàng và thị trường lao động 2024 dựa trên ý kiến của hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam, và hơn 550 doanh nghiệp đa dạng quốc tịch như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát, có đến 454/555 doanh nghiệp trả lời có bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm 82,2%.
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng này trải dài trong nhiều ngành hàng, với mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, có thể kể đến như: Ngân hàng, vận tải, giao nhận, chuỗi cung ứng, sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản, tự động hóa, ô tô, xây dựng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính.
Về biện pháp ứng phó với biến động thị trường của doanh nghiệp, Navigos Group cho biết, đa số doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn cắt giảm dưới 25% nhân sự, riêng một số ngành cắt giảm lên đến 75%.
Quy mô cắt giảm tập trung dưới 25% trong các ngành nghề như: Ngân hàng, vận tải, giao nhận, chuỗi cung ứng, tự động hóa, ô tô, hóa chất, vật liệu xây dựng và bao bì, in ấn…
Rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Cắt giảm từ 50% đến dưới 75% nhân sự xuất hiện trong 2 ngành xây dựng, bất động sản và dịch vụ tư vấn với cùng tỷ lệ là 10% doanh nghiệp. Duy nhất ngành dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự, chiếm 5%.
Lương là yếu tố hàng đầu mà người lao động tìm công việc mới
Về phía người lao động, phần lớn vẫn có công việc ổn định. Khảo sát cho thấy, 69% người lao động tham gia không bị mất việc và vẫn làm việc ổn định, tuy nhiên tỷ lệ tìm được việc làm mới sau khi mất việc vẫn còn tương đối thấp.
Các ngành năng lượng, năng lượng tái tạo và dầu khí, may mặc… có nguy cơ bị mất việc cao nhất.
Nhiều ứng viên vẫn được tăng lương và nhận được đầy đủ phúc lợi bắt buộc.
43,3% người lao động cho biết được tăng lương từ 5% đến dưới 10%. Số nhân sự bị giảm lương chỉ chiếm thiểu số với mức giảm từ 15% đến dưới 20%.
Theo báo cáo, gần 70% người lao động vẫn nhận được đầy đủ phúc lợi bắt buộc từ tổ chức, doanh nghiệp mà họ đang làm việc. Đối với những nhân sự bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm, thanh toán tiền lương đầy đủ và kịp thời là hỗ trợ nhận được nhiều nhất bên cạnh các chế độ trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.
Về kỳ vọng và mối quan tâm mới của ứng viên, người lao động Việt Nam về chất lượng công việc
Theo Navigos Group, lương vẫn là yếu tố hàng đầu khi tìm kiếm một công việc mới.
83,4% lao động cho biết khi tìm kiếm một công việc mới sẽ ưu tiên trước hết là lương và 70% trong đó cho biết đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại nếu họ không được thỏa mãn bởi công ty.
Theo sau đó là các yếu tố như văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến trong công việc hay cơ chế thưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, người lao động kỳ vọng nhiều vào sự ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và những hỗ trợ tài chính như: được thanh toán lương đúng hạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều biến động, ứng viên, người lao động cũng rất kỳ vọng vào sự ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm gia tăng sự đảm bảo công việc cho họ.
Trong năm 2024, Navigos Group cho rằng, làm việc linh hoạt đang là xu hướng được nhiều người lao động quan tâm nhất, chiếm 49%. Đồng thời, mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được đề cao khi 43,7% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống – công việc.
Tiếp đó, người lao động quan tâm đến các yếu tố làm việc từ xa, ứng dụng của AI và trao quyền cho nhân viên trong năm tới.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply