Tiếp đón Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đến thăm, làm việc, Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) Kim Chi-mug, nhắc lại việc Chính phủ hai nước Việt – Hàn đã thông qua Hiệp định về bảo hiểm xã hội, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng vừa ký thỏa thuận hành chính với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc về việc thực thi Hiệp định.
Ông Kim Chi-mug nhận định, Hiệp định chung về bảo hiểm xã hội có ý nghĩa to lớn với hai nước. Thực tế, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam ký hiệp định này, còn Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên Hàn Quốc thực hiện cam kết chung, tương xứng với vị thế đối tác thương mại đứng thứ 3 của Nam Hàn. Hiệp định được kỳ vọng khi đi vào thực thi sẽ giúp hệ thống BHXH của hai nước phát triển hơn nữa.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan bày tỏ sự nhất trí với những quan điểm nêu ra của Tổng Giám đốc điều hành NPS. Ông yêu cầu nghe cụ thể hơn ý kiến của 2 cơ quan thực hiện Hiệp định là Bảo hiểm xã hội Việt Nam (VSS) và Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc.
Thực tế, hiện tại, giữa VSS và NPS còn một số công việc cần thực hiện để triển khai Hiệp định sắp có hiệu lực thi hành, liên quan các biểu mẫu, quy trình phối hợp, thông tin cần thống nhất.
Trả lời Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Tổng Giám đốc Kim Chi-mug nêu con số dự tính, sau khi Hiệp định có hiệu lực, rất nhiều người lao động sẽ đăng ký, nộp bảo hiểm ở cả hai nước. Hàn Quốc đang chuẩn bị bộ máy, nhân sự để xử lý với các trường hợp đóng bảo hiểm, nhận chế độ ở cả hai chiều cũng như lo việc tuyên truyền để người lao động nắm được chính sách mới ưu việt này.
Việc thống nhất biểu mẫu, quy trình xử lý công việc cũng là mục tiêu làm việc của NPS với VSS để việc thực hiện Hiệp định chung được suôn sẻ.
Trao đổi thêm nội dung cụ thể theo gợi ý của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam, cập nhật thông tin từ phía Việt Nam. Thời hạn thực thi Hiệp định ngày càng đến gần, cơ quan quản lý đang tập trung tuyên truyền để người lao động nắm được chính sách, trước hết là về quy định miễn trừ và tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội.
Ông Trần Hải Nam và đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cùng tiếp tục làm việc với Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc, thống nhất các nội dung cụ thể, chi tiết để trình lãnh đạo hai bên thông qua, sẵn sàng cho việc thực thi Hiệp định.
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đề nghị NPS làm rõ quy trình chứng nhận việc “đóng bảo hiểm xã hội liên thông” khi người lao động hai bên đăng ký, cách thức cấp phát, chi trả tiền chế độ với người lao động theo hướng trực tiếp thực hiện hay thông qua VSS.
Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cũng nêu vấn đề, khi triển khai Hiệp định, cần xử lý một giai đoạn chuyển tiếp. Thời gian qua, nhiều lao động Việt Nam còn một số khoản bảo hiểm xã hội đã đóng tại Hàn Quốc với số tiền 1,8 tỷ won (tương đương 36 tỷ đồng) đã quá hạn 5 năm chưa được hoàn trả. Ông Nam đề nghị làm rõ khoản này.
Đáp lại, Tổng Giám đốc điều hành NPS cho rằng, HIệp định được ký kết lần này tập trung vào quy định miễn trừ và tránh đóng song trùng bảo hiểm. Việc thực hiện Hiệp định ngay từ thời điểm có hiệu lực không chồng lấn với vấn đề hoàn trả khoản bảo hiểm đã quá hạn.
Các nội dung công việc sẽ được hai cơ quan bảo hiểm xã hội hai nước thảo luận, thống nhất trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Hàn Quốc.
Kế hoạch thực thi Hiệp định về bảo hiểm xã hội Việt – Hàn
Cơ quan bảo hiểm xã hội hai nước khẩn trương trao đổi, thảo luận, thống nhất hồ sơ, biểu mẫu, quy trình thực hiện miễn trừ, đóng, hưởng chế độ BHXH theo Hiệp định đã ký, các biểu mẫu kèm theo thông qua trao đổi thư điện tử, tổ chức làm việc trực tuyến, tổ chức đoàn đi công tác làm việc tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Đoàn công tác của VSS làm việc với NPS tại Hàn Quốc vào tháng 1/2024 để thống nhất, ký kết biên bản làm việc và các biểu mẫu kèm theo về miễn trừ đóng BHXH để kịp thời thực hiện khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Hai cơ quan phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam, người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về việc thực hiện Hiệp định.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply