“Chịu trận” quấy rối
Lanelle Henderson (quốc tịch Mỹ) là một cựu tiếp viên của hãng hàng không Kiwi Airlines và Airtran. Sau nhiều năm làm việc trong ngành, có nhiều lý do khiến Lanelle không còn muốn theo nghề nữa, dù đây là công việc lương cao mà nhiều người mơ ước.
Lanelle nhớ lại chuyến bay đến Dallas-Fort Worth (Texas, Mỹ) nhiều năm trước, một nam hành khách đã uống rượu bắt đầu tiến về phía cô.
“Đầu tiên anh ấy nắm lấy tay và khen ngợi tôi. Nhưng sau đó người này tóm lấy chân tôi rồi xoa”, cô nói.
Lúc này, nữ tiếp viên chợt sững người và không biết phải phản ứng thế nào. Cô tiến về phía buồng bếp nhưng bị vị hành khách chặn lại và sờ vào mông.
May mắn, một hành khách phía sau đã lên tiếng: “Thưa ông, đủ rồi. Cô gái này không đến đây để thỏa mãn ông”.
Theo Lanelle, đó chỉ là một trong số những chuyện “oái oăm” mà cô từng trải qua. Tiếp viên hàng không như cô luôn phải làm việc với thái độ “khách hàng luôn đúng” – tôn chỉ mà phần lớn ngành dịch vụ yêu cầu. Vì vậy, điều này vô tình đẩy tiếp viên vào cảnh bị quấy rối tình dục.
“Họ sẽ không dừng máy bay vì điều ấy vì mọi người sẽ giận dữ”, Lenelle cho hay.
Dawn Arthur cũng vỡ mộng trong suốt 8 năm làm tiếp viên hàng không thương mại và cả tư nhân. “Tôi thực sự rất hào hứng khi trở thành tiếp viên hàng không. Nhưng sau đó tôi phát hiện ra rằng chúng tôi không có sự hỗ trợ nào trong ngành. Các phi công không được đào tạo để xử lý các cuộc tấn công và họ không muốn nghe điều đó”, Dawn nói.
Nữ tiếp viên từng bị một hành khách ép vào một góc. Mặc dù cô cảm thấy rất khó chịu, nhưng không thể làm gì khác vì sợ làm ảnh hưởng đến giờ bay.
Sara Nelson là chủ tịch quốc tế của Hiệp hội tiếp viên hàng không (CWA), đồng thời là tiếp viên hàng không 21 năm của United Airlines. Theo kinh nghiệm của cô cùng với khoảng 50.000 tiếp viên hàng không trên 20 hãng hàng không mà hiệp hội đại diện, không có quy trình chính xác nào về cách xử lý vấn đề này.
“Có quy trình về việc đào tạo cách xử lý hành vi tấn công và hung hăng trên máy bay, nhưng không có sự công nhận tấn công tình dục là một tội phạm đặc biệt”, Sara cho biết.
Cơ thể nhanh lão hóa
Nhiều tiếp viên hàng không cho hay, họ cảm thấy cơ thể họ nhanh bị lão hóa do tần suất và tính chất công việc áp lực, vất vả.
Theo tờ Simple Flying, sau khi trải qua vòng ứng tuyển gay gắt, tiếp viên hàng không phải “vượt” được khoảng thời gian huấn luyện dài 6 tuần mà không được trả lương. Một số hãng bay có thể cung cấp chỗ ở và bữa ăn. Sau khi được nhận chính thức, họ cũng phải trải qua các bài kiểm tra hằng năm như bác sĩ và luật sư.
Tiếp viên hàng không phải làm việc ngay cả trong các dịp lễ, dễ dàng bỏ lỡ các sự kiện quan trọng cùng gia đình. Thời gian làm việc sẽ bất định ngày hay đêm, rạng sáng hay tối muộn.
Chia sẻ với tờ Huffington post, tiếp viên hàng không Jasmine Yeo cho hay, sau khoảng 2 năm làm việc, hằng ngày cô chỉ muốn ở trong phòng, nói chuyện với người yêu hoặc đi xem phim.
“Việc di chuyển liên tục ngày càng khiến tôi mệt mỏi. Tôi cảm giác mình đã tăng thêm 7 tuổi so với tuổi thật”, Jasmine nói.
Không những vậy, tiếng la hét của trẻ con, lời phàn nàn hay hành khách quấy rối là điều họ phải đối mặt và chịu đựng trên các chuyến bay.
Theo khảo sát của Hiệp hội Tiếp viên hàng không Mỹ năm 2018, 68% tiếp viên được hỏi chia sẻ họ từng bị quấy rối tình dục trong suốt sự nghiệp của mình.
Trong đó, 1/3 bị quấy rối bằng những lời lẽ khiếm nhã từ hành khách. 68% trong số này cho biết họ từng bị quấy rối bằng lời nói ba lần hoặc hơn, và 35% cho hay phải chịu đựng những lời lẽ quấy rối này ít nhất 5 lần.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply