Giảm 31.006 hộ nghèo
Năm 2023, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, nhằm cho vay vốn hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động. Cùng với đó, việc thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã giúp kéo giảm các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thống kê cho thấy TP.HCM đã giảm 31.006 hộ nghèo, giảm 22.168 hộ cận nghèo. Hiện TP.HCM còn 8.410 hộ nghèo và 14.498 hộ cận nghèo. Với con số này, TP.HCM hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trước thời hạn 2 năm về chương trình giảm nghèo.
Lập mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em
Lần đầu tiên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vinh dự được UBND TP.HCM trao giải nhì ở lĩnh vực quản lý nhà nước Giải thưởng sáng tạo của TP.HCM với việc lập “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn”. Thời gian qua, mô hình này đã tiếp nhận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho 30 nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục. Hiện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đang triển khai nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn.
Thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo trợ xã hội
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM buổi họp mặt quy mô lớn người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2023) với quy mô lớn (120 người đại diện cho 36.787 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng).
Cũng trong năm qua, đơn vị tham mưu nhiều chính sách mới nhằm chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn hay các chính sách hỗ trợ cho diện bảo trợ xã hội, người cai nghiện ma túy. Thống kê cho thấy đã có 6.276 trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội, 11.510 người cai nghiện ma túy và các trường hợp yếu thế khác được chăm lo.
Mặt khác, đơn vị cũng tập trung xây dựng và trình 8 đề án tổ chức lại các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy. Đến nay, các cơ chế, chính sách liên quan lĩnh vực này cơ bản hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất.
Tăng cường hợp tác liên ngành, vùng, quốc tế
Một số sự kiện nổi bật như ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với Sở giáo dục của tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc); thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; ký kết quy chế phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội TP.HCM trong vấn đề lao động, việc làm; ký kết với Sở GD-ĐT về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS – THPT giai đoạn 2023 – 2025; phối hợp các trường đại học, cao đẳng trong đào tạo nhân lực ngành công tác xã hội…
Qua đó nhằm tăng cường phối hợp và hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như giám sát và hỗ trợ pháp luật về lao động, việc làm được tốt hơn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Năm 2023, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ phản ảnh, kiến nghị thông qua dịch vụ công trực tuyến được quan tâm, giải quyết kịp thời (129/129 trường hợp), giải quyết trước hạn và đúng hạn 32.454/33.104 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98%. Qua đó, kết quả thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đạt tỷ lệ hài lòng là 99,66%, vượt kế hoạch năm.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết dự báo tình hình kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn, do đó, toàn ngành cần phát huy sự đoàn kết, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Về cải cách hành chính, ông Thinh cho hay, tập thể đơn vị cần nỗ lực đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở (DDCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên.
Ông Thinh đề nghị tập để đơn vị quyết liệt, chủ động triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các chiến lược, chính sách liên quan lao động – việc làm khác.
Song song đó, hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện để tăng độ bao phủ các diện khác; thực hiện tốt chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trước mắt, theo ông Thinh, cần tổ chức chăm lo chu đáo để mọi người dân đều được đón tết; nhất là đối với người có công, người nghèo, diện thuộc bảo trợ xã hội, người lao động.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply