Đoạn video ghi lại cảnh một nam thanh niên xách trái sầu riêng lên metro (tàu điện ngầm) khiến nhiều hành khách xung quanh tỏ ý khó chịu, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Hình ảnh thể hiện trong video cho thấy, người đàn ông đứng cạnh nam thanh niên có lẽ không quen thứ mùi nặng như sầu riêng nên phải bịt chặt mũi. Trong khi đó, một số người xung quanh lẳng lặng bỏ đi chỗ khác. Dù thấy rõ phản ứng của những người xung quanh nhưng nam thanh niên vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra.
Theo tìm hiểu, video được quay tại một ga tàu điện ngầm ở Tokyo hồi đầu tháng 6 vừa qua. Nam thanh niên mang sầu riêng lên tàu là một lao động người Việt có tên H. hiện sinh sống và làm việc tại Nhật. Anh mua trái sầu riêng ở siêu thị và mang về nhà làm quà cho người yêu vốn rất thích loại trái cây này.
Vô tư chia sẻ video lên mạng xã hội, nam thanh niên hỉ hả kể “không nhịn được cười khi thấy hành khách trên tàu phản ứng mạnh do ngửi phải mùi sầu riêng”.
Đoạn video được đăng tải lập tức gây nhiều phản ứng trái chiều. Trong đó, không ít ý kiến chỉ trích hành động bất chấp của lao động Việt, gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.
“Nếu muốn mang trái cây, thực phẩm nặng mùi lên phương tiện công cộng, lẽ ra anh ta phải gói, bọc kín đồ để không tỏa mùi ra xung quanh. Thấy người khác phản ứng như vậy mà vẫn vô tư cười, đứng quay video được cũng đủ thấy ý thức của anh ta ra sao”, tài khoản có tên Minh Việt lên tiếng.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng nếu ở Singapore thì việc mang sầu riêng lên các phương tiện công cộng như này bị xem là hành vi phạm pháp, có thể bị phạt 300 SGD (5,6 triệu đồng), chủ nhân đoạn clip đáp trả “đang ở Nhật Bản thì đố ai ngăn cản được” và khẳng định “chỉ cần người yêu thích sẽ vẫn làm”.
Đánh giá đây là tình huống xung đột nhỏ diễn ra trong cộng đồng người Việt ở Nhật Bản, nhưng ông Lê Dũng, Trưởng phòng huấn luyện kỹ năng Nhật Bản thuộc công ty CP Nhân lực Quốc tế ICO, nhận định đây cũng là chuyện điển hình phản ánh điểm yếu và hạn chế của lao động Việt trong việc tuân thủ quy định, kỷ luật khi ra nước ngoài làm việc.
“Nhật Bản có thể chưa áp dụng biện pháp nghiêm cấm mang thực phẩm có mùi nặng lên các phương tiện công cộng như một số nước khác. Bên cạnh đó, người Nhật vốn nổi tiếng tế nhị, tôn trọng cá nhân nên có thể không gay gắt trong tình huống này. Nhưng rõ ràng, nam thanh niên hoàn toàn hiểu được tác động từ hành động của mình và có cách hành xử tốt hơn như gói kín đồ, tránh gây phiền hà xung quanh”, ông Dũng nói.
Từng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy các giờ giáo dục định hướng cho thực tập sinh Việt Nam chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc, ông Dũng nhận thấy, ưu điểm của đa số lao động người Việt là tính cần cù chịu khó, không ngại việc vất vả.
Tuy nhiên những điểm yếu, hạn chế cố hữu cũng ít cải thiện, tiêu biểu như thiếu ý thức nghiêm túc chấp hành quy định, ít chịu tìm hiểu nên không nắm bắt rõ nền văn hóa địa phương, gây ra những sự cố không đáng có.
“Có những khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và các nước. Đơn cử, đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản, có thanh niên Việt mới sang nhìn thấy người cao tuổi vội đứng dậy, nhường ghế. Ở Việt Nam, đây là hành động tốt, rất đáng hoan nghênh nhưng lại không nên làm ở Nhật. Lý do, quốc gia này có dân số già, người cao tuổi rất nhiều, đa phần có thói quen đứng khi đi tàu điện, xe bus. Nếu được người khác nhường chỗ, họ sẽ có cảm giác bị coi thường giống như trở thành người thừa trong xã hội, đến chỗ ngồi cũng phải nhờ người khác tìm giúp.
Trong tình huống này, nếu tinh ý, nam thanh niên chỉ cần di chuyển ra chỗ khác, kiểu như sắp xuống điểm tiếp theo. Nếu cần, cụ già đứng đó sẽ chủ động tự ngồi xuống ghế trống”, ông Dũng nêu tình huống.
Nhằm nâng cao ý thức cho người lao động, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện áp dụng chương trình giáo dục định hướng cho thực tập sinh, gồm cả lý thuyết và thực hành.
Sau khi đỗ đơn hàng, thực tập sinh sẽ có khoảng thời gian 4-6 tháng để học ngoại ngữ và chương trình định hướng trong vòng 74 tiết. Theo ông Dũng, đây là khoảng thời gian rất cần thiết, quan trọng để lao động Việt nắm bắt những kiến thức cơ bản về quy định luật pháp, con người, văn hóa của nước sở tại.
“Ngoài những chương trình này, chúng tôi còn thu thập thêm ý kiến đóng góp từ các công ty, nghiệp đoàn ở Nhật Bản để hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn các tình huống giúp lao động Việt nắm được, tránh va vấp”, ông Dũng nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply