Lay lắt sống qua ngày
Hơn 21h, đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TPHCM) vẫn còn đông đúc người qua lại. Ông Hoàng Quốc Vinh (53 tuổi), một tài xế xe ôm truyền thống, ngồi bệt xuống vỉa hè, ánh mắt bất lực nhìn xa xăm.
Chạy xe ôm 31 năm, ông Vinh vẫn giữ bên cạnh chiếc “Dream Tàu” có tuổi đời hơn 20 năm, xì khói đen nghịt và run bần bật mỗi khi lên ga. “Thấy vậy chứ còn tốt lắm, ngày xưa có giá bằng 2 cây vàng lận đó!”, ông Vinh gãi đầu, cười xòa ái ngại.
Người tài xế già tâm sự đã nhiều ngày ông chưa có cuốc xe nào dù bản thân đã cố tìm đến các mối quen và thậm chí đi mời khách lạ. Đối với ông Vinh, những ngày ế cuốc kéo dài đã là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng lúc nào cũng khiến ông nặng lòng.
Vợ chồng ông có con khá muộn, hai đứa nhỏ chỉ mới hơn mười tuổi. Những khi ế cuốc, ông Vinh cứ phải mượn nợ từ mấy người đồng nghiệp thân quen, xoay vòng, lo cho con.
Hằng ngày, ông có thói quen ra số 289 Lý Thường Kiệt ngồi chờ khách lúc 16h, đến 6h ngày hôm sau mới về. Không có nhiều tiền, ông mua một bọc nước đá 2.000 đồng để dành uống dần, còn cơm thì chờ đoàn từ thiện đi ngang phát cho. Ngồi hơn 14 tiếng ngoài đường, có hôm ông Vinh chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng, có hôm tay không đi về.
Ông Vinh miêu tả sự phát triển của xã hội đang dần khiến tài xế như ông trở nên “hụt hơi, tụt huyết áp”.
Theo ông Vinh, vào thời chưa có xe ôm công nghệ, nghề tài xế xe ôm truyền thống làm ăn rất tốt. Tài xế thường tập trung thành một nhóm rồi chia nhau ra chở khách, kiếm tiền. Người có nhiều mối hơn vẫn sẵn sàng nhường khách cho ai mới vào nghề.
“Thế nhưng, bây giờ tài xế nhiều hơn khách, họ không còn sự gắn kết nữa. Thậm chí, các tài xế truyền thống còn cạnh tranh, giành giật lẫn nhau để có khách. Tôi còn từng bị tài xế công nghệ dọa đánh khi cố giành khách không đặt qua ứng dụng với tôi”, ông Vinh chua chát, nói.
Yêu nghề, không bỏ được
Công việc ngày càng khó khăn nhưng ông Vinh khẳng định mình không bỏ nghề được. Bởi nghề này tự do, không phải chịu bị bó buộc bởi các quy định.
Lắm lúc, ông cũng nghĩ thoáng qua chuyện sẽ đăng ký làm tài xế xe công nghệ cho đỡ cảnh ế ẩm. Nhưng liếc xuống bàn tay đang cầm chiếc điện thoại hiệu Nokia đen trắng, ông Vinh lại ái ngại.
“Nghe mấy ông bạn làm xe ôm công nghệ bị khách chửi mà không dám nói lại vì sợ bị khóa tài khoản hay chuyện tài xế đi cả ngày rồi bị trừ cước gần hết, tôi càng khẳng định mình nên gắn bó với xe ôm truyền thống”, người đàn ông nói với giọng chắc nịch.
Hơn nữa, xe ôm truyền thống đã giúp ông Vinh nuôi 2 đứa con đi học trường công. Ông luôn miệng khoe rằng: “Tụi nó học giỏi lắm. Các con còn tự hào và không thấy xấu hổ khi ba đi chạy xe ôm”.
Làm nghề này, ông Vinh chia sẻ ký ức khổ sở nhất chính là 3 lần bị cướp xe, quỵt tiền. Có lúc, người tài xế già còn phải chịu cảnh dầm mưa, lạnh cóng người cả đêm hay “hứng” ánh mắt khinh rẻ của người đời.
Ông Vinh bộc bạch không phải tài xế xe ôm truyền thống nào cũng xấu xa. Đối với ông, ông tuyệt đối không chặt chém khách hàng. Bản thân ông cũng bức xúc khi chứng kiến cảnh tài xế xe ôm truyền thống hành hung, giành khách với xe ôm công nghệ.
Ông trân trọng, yêu cái nghề nuôi sống cả gia đình mình. Người tài xế trải lòng nghề này giúp ông thấm được cái sương gió của kiếp mưu sinh đường phố, cho ông sự can đảm trong mỗi lần tham gia bắt cướp.
Nhờ vậy, bản thân ông không ít lần được giấy khen của chính quyền địa phương và tình thương từ khách hàng.
“Thỉnh thoảng, tôi sẽ có được mấy chuyến đi xa, người ta sẵn sàng trả 500.000 đến 3 triệu đồng. Những ngày đó xem như hốt bạc, nhưng hiếm lắm mới có một lần”, ông Vinh cười xòa.
3h sáng, một bến xe ở đường số 10 (quận 6) vừa trả một đoàn khách hơn chục người. Nhanh chóng, 6 tài xế xe ôm truyền thống đứng chờ sẵn, tiến đến hỏi liên tục: “Xe công nghệ chạy bao nhiêu, tôi chạy bấy nhiêu. Cô chú thương tình thì đi giúp tôi”.
Trong số đó, ông Tiến (tên nhân vật đã được thay đổi), một tài xế xe ôm, đồng ý đi từ quận 6 đến quận 4 với giá 60.000 đồng.
Trên chuyến xe đầy sương gió, ông Tiến bộc bạch dạo này không kiếm được nhiều tiền. Hễ có khách, ông đều mừng rỡ, dắt xe đi vội mà không quan tâm giá cả.
“Chứ còn chờ được giá thì chắc… đói. Nghề này bây giờ khó khăn lắm, người ta bỏ nghề hết rồi vì không chịu được sự vất vả. Nhưng đối với những người làm lâu năm như chúng tôi, cái nghề đã nuôi sống cả gia đình nên không thể nói bỏ là bỏ được”, ông Tiến trầm mặt, nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply