Tại cuộc thảo luận tổ, kỳ họp 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 10/7, vấn đề lao động, việc làm được các đại biểu quan tâm, đưa ra mổ xẻ.
Theo ông Hà Xuân Quang, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu (Nghệ An), thị trường lao động, tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp là vấn đề dư luận rất quan tâm.
Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, Diễn Châu hiện đối mặt với tình trạng lao động đi làm việc ở ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, theo ông Quang, có xung đột thị trường lao động, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhất là tại các nhà máy may trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Diễn Châu.
Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn 2025-2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tại Nghệ An, nhu cầu sử dụng khoảng trên 98.700 người, tập trung lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh.
Ngoài việc chủ động nguồn cung lao động cho các nhà máy trong tỉnh, ông Quang cho rằng cần có giải pháp để đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Theo ông Vy Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An (LĐ-TB&XH), hiện địa phương có khoảng 2,2 triệu người. Hơn 700.000 lao động Nghệ An đang đi làm việc ở ngoại tỉnh.
Trung bình mỗi năm, Nghệ An giải quyết việc làm cho 47.000-48.000 lao động, trong khi đó, có khoảng 60.000-70.000 người lao động Nghệ An có nhu cầu tìm việc làm.
Số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, 6 tháng qua, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 45.000 lao động, trong đó doanh nghiệp trong tỉnh cần tuyển dụng 36.000 người. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn mới tuyển dụng được khoảng 50% nhu cầu lao động.
“Nguồn lao động có, nhưng tuyển dụng không được bởi lao động có xu hướng tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Hiện nhiều thị trường mở ra, thu nhập cao hơn so với trong tỉnh. Nơi nào có thu nhập cao, môi trường tốt, có các chế độ phúc lợi… thì lao động sẽ tìm đến”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An phân tích.
Tại Nghệ An, mức lương bình quân của công nhân lao động là hơn 6,63 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương bình quân cả nước là hơn 8,4 triệu đồng/tháng. Lao động các địa phương lân cận Nghệ An cũng có mức lương bình quân cao hơn, như Thanh Hóa là 7,8 triệu đồng/tháng, Hà Tĩnh 7,6 triệu đồng/tháng.
“Ngành Lao động và các ngành liên quan đã kiến nghị nhiều lần, doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa mức thu nhập lương cơ sở, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Ngành Lao động sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, có giải pháp thu hút lao động, nhất là có giải pháp để thu hút 7.000 lao động Nghệ An đang ở các tỉnh, thành trong cả nước về làm việc tại địa phương”, ông Vy Ngọc Quỳnh cho biết thêm.
Để tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn, chiều 8/7, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị về tình hình cung – cầu lao động.
Tại hội nghị này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Ngoài giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành và các địa phương liên quan, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị các doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất đúng quy định pháp luật, ổn định; có giải pháp tăng thu nhập cho người lao động cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; quan tâm đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động, phối hợp các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu về lao động có trình độ tay nghề cao.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply