13 năm trước, đơn hàng đầu tiên gồm các sản phẩm làm từ cói, bèo tây ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vượt qua những đợt kiểm nghiệm nghiêm ngặt để có mặt ở Tây Ban Nha. Số tiền lãi có được từ vùng đất được mệnh danh là “ánh mặt trời” khiến anh Phạm Minh Tôn tin rằng chiến lược đưa cây cói, bèo “vượt đại dương” của mình là đúng đắn.
Giám đốc “chân đất”, bán sách dạo, học mót tiếng Anh
Khác với tưởng tượng của tôi về một doanh nhân triệu đô, anh Phạm Minh Tôn (46 tuổi, thôn 7, xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) là người từng trải, mộc mạc, dễ gần.
Bên thềm nhà nắng vàng ươm, mùi thơm dịu nhẹ của hương cói, tấm bèo, mo cau quyện vào nhau, anh Tôn thư thả rót chén nước chè mời khách rồi kể cho tôi nghe câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của mình.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tôn rời quê đi tìm việc làm. Để nuôi sống bản thân ở đất Hà Thành, chàng trai làm đủ thứ nghề. Một lần, đang bán sách dạo ở bờ hồ Hoàn Kiếm, anh Tôn gặp một vị khách nước ngoài hỏi chuyện, nhưng vì một chữ tiếng Anh cũng không biết nên cứ ngập ngừng, ú ớ, rồi lắc đầu.
“Lúc đó tôi thấy mình xấu hổ và quê quá. Đêm đến, tôi để tay lên trán, nghĩ rằng muốn giao lưu phải học được tiếng Anh. Thế rồi, ban ngày tôi đi bán sách dạo, lê la ở bờ hồ học mót tiếng Anh. Đêm về lại đèn sách phát âm, tập viết từng chữ”, anh Tôn nhớ lại.
Sau này, nhờ thông thạo ngoại ngữ, anh Tôn được tuyển dụng vào làm việc cho một công ty xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ ở Ninh Bình. Tại đây, anh được giao phụ trách mảng phát triển thị trường.
Anh Tôn cho biết, khi làm việc ở đây, anh được tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài và nhận thấy họ rất thích những sản phẩm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Sau đó, anh quyết định xin nghỉ việc về nhà để nghiên cứu thị trường của cây cói, bèo tây.
Năm 2009, sau bao năm bôn ba, kinh qua đủ công việc, anh Tôn vay 1 tỷ đồng, quyết định thuê đất thành lập công ty. “Tôi mang con dấu và hợp đồng thuê đất về nhà, cả gia đình nhìn tôi, ánh mắt hoài nghi. Vợ tôi thảng thốt “anh ăn gan hùm à”, anh Tôn nhớ lại.
Theo anh Tôn, thời điểm đó anh không có trình độ chuyên môn, kiến thức, không vốn liếng, chỉ có 2 bàn tay trắng và sự liều lĩnh. “Mọi người nghĩ tôi chắc chắn sẽ chết vì phá sản. Người dân vùng đất Mai An Tiêm không thể tưởng tượng được, cây cói, bèo tây quê mình có thể vượt đại dương sang tận bên kia bán cầu”, anh Tôn kể.
Vay tiền sang “xứ sở bò tót”, xách ba lô đi Mỹ
Con đường đưa cây cói, bèo tây ra thế giới không “trải đầy hoa hồng” như anh Tôn nghĩ. Nhằm chiếm lĩnh thị trường của đất nước tỷ dân, năm 2009, chuyến hàng đầu tiên anh Tôn xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thất bại, khiến anh thua lỗ nửa tỷ đồng.
Không bỏ cuộc, năm 2011, anh Tôn vay tiền bạn bè, người thân sang Tây Ban Nha. Theo anh Tôn, quốc gia này có nền kinh tế hỗn hợp, phát triển đa lĩnh vực. Người dân ở “xứ sở bò tót” thích dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường… đó là lý do anh vượt hàng chục nghìn km đến đây.
Những ngày đầu đặt chân tới Tây Ban Nha, anh Tôn gặp gỡ, thuyết phục nhiều đối tác nhưng họ đều quay lưng vì công ty còn non trẻ và sản phẩm quá lạ. Không thể ra về tay trắng, anh Tôn đánh liều xuất trước cho khách hàng một container hàng không thu tiền luôn, mà đợi thời cơ hợp tác.
Theo anh Tôn, thời điểm bấy giờ, một container sản phẩm là cả vốn liếng, tâm sức của công ty dồn vào để sản xuất, nếu phía bạn không hồi âm, coi như phá sản. May thay, sau đó đối tác liên lạc lại và gửi tiền, đồng thời mở ra sự hợp tác, đưa sản phẩm… đi Tây.
“Chuyến hàng xuất ngoại đầu tiên là sản phẩm thảm lau chân bằng cói, bèo tây thành công, đối tác gửi cho tôi 50.000 USD. Tiền lãi có được từ đơn hàng không nhiều nhưng đủ để tôi tin rằng, chiến lược đưa cây cói, bèo tây sang châu Âu là đúng đắn”, anh Tôn kể.
Không dừng lại ở việc xuất hàng sang Tây Ban Nha, anh Tôn luôn khao khát chiếm lĩnh thị trường khó tính hàng đầu là Mỹ. Tháng 8/2012, anh Tôn xách ba lô đến thành phố New York của Mỹ, tìm đối tác. Một tuần ở Mỹ, anh tìm kiếm được 2 đối tác nhưng sau đó lại không thể xuất hàng.
Hai năm sau, anh Tôn tiếp tục tìm đến các công ty nhập hàng thủ công mỹ nghệ ở Mỹ để xúc tiến. Khi gửi danh mục mẫu mã sản phẩm, may mắn có một doanh nghiệp đồng ý hợp tác.
Không lâu sau, các sản phẩm là hộp đựng đồ ăn, xà phòng, sữa tắm, thùng chứa quần áo, đồ gia dụng,… đều được kết tinh xảo, tỉ mẩn bằng cói, bèo tây rời cảng Hải Phòng, vượt nửa vòng trái đất sang Mỹ.
Đến nay, anh Tôn đã đi nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Thụy Điển, Đức,… tự tin nói tiếng Anh, giới thiệu các sản phẩm của công ty với đối tác.
“Mục tiêu của tôi không phải là bán hàng giá cao mà là để các sản phẩm làm từ thiên nhiên của người Việt được cả thế giới biết đến, phục vụ khách quốc tế. Tôi muốn người dân ở quê nghĩ rằng, cói, bèo tây không còn “rẻ như bèo” nữa mà chúng trở nên có giá”, anh Tôn nói.
Đưa quạt thằng Bờm ra thế giới
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu trưng bày, anh Tôn giới thiệu về chiếc quạt mo, sản phẩm thứ 2.000 của công ty. “Cuối năm ngoái, hơn 1.000 chiếc quạt mo, cùng các sản phẩm được biến tấu từ mo cau đã xuất đi Mỹ. Việc mang mo cau xuất ngoại khiến nhiều người nghĩ tôi nói khoác”, anh Tôn chia sẻ.
Theo anh Tôn, từ chiếc mo cau, có thể tạo ra rất nhiều các sản phẩm khác nhau như quạt thằng Bờm, đĩa, hộp đựng đồ ăn,… khá bắt mắt, giá thành lại rẻ, dao động 2.000-6.000 đồng/sản phẩm.
Sau khi ép, sản phẩm được diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV rồi đóng gói. Đây là sản phẩm bảo vệ môi trường, khá độc đáo nên thị trường nước ngoài rất ưa chuộng.
Bình quân mỗi tháng công ty của anh Tôn đưa 400.000 sản phẩm được làm từ cói, bèo tây, mo cau ra thế giới. Từ đơn hàng đầu tiên ở Tây Ban Nha, đến nay sản phẩm của công ty đã có mặt ở 15 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản,… Năm 2023, doanh thu của công ty đạt 4 triệu USD.
“Tôi đang ấp ủ dự định xuất khẩu các sản phẩm làm từ bẹ chuối đến châu Âu và Nhật Bản. Trong bẹ chuối có các sợi tinh rất bền, đẹp. Để làm ra một sản phẩm từ bẹ chuối tốn rất nhiều thời gian, công đoạn, vì thế nó rất đắt”, anh Tôn cho biết.
Bà Phạm Thị Chiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Nga An, cho biết anh Phạm Minh Tôn là một điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, anh Tôn rất ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ; có tình yêu mãnh liệt với cây cói, tấm bèo.
Từ một thanh niên chỉ mới tốt nghiệp THPT rồi đi làm thuê nhưng anh Tôn rất nhạy bén, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường. Anh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm làm từ cói, bèo tây, mo cau, “nâng tầm” để chúng trở nên có giá.
Công ty của anh Tôn đang tạo việc làm cho 2.000 lao động, với mức thu nhập 4-8 triệu đồng/người/tháng.
“Anh Tôn khiến cho người dân ở vùng đất Mai An Tiêm tin rằng, cây cói, tấm bèo, mo cau ở quê mình có thể vượt đại dương, ra thế giới. Bà con ở quê, yêu thương, mến mộ gọi anh là giám đốc “chân đất”, bà Chiến chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply