Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 25/7, TAND Cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng cáo của ông Benedict Daniel Sullivan (61 tuổi, quốc tịch Anh), tuyên hủy bản án sơ thẩm về việc bác yêu cầu khởi kiện của ông đối với Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (gọi tắt là CGV Việt Nam).
Kiện CGV đòi gần 6 tỷ đồng
Theo hồ sơ vụ án, ông Benedict làm việc tại CGV Việt Nam (trước đây là công ty TNHH truyền thông Megastar) từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/4/2015 với chức vụ Giám đốc kinh doanh và tiếp thị, theo nội dung hợp đồng lao động.
Khi công việc đang diễn ra bình thường, ngày 7/10/2014, Tổng giám đốc CGV Dongwon Kwak “bất ngờ” gửi thông báo tới toàn thể công ty về việc chuyển ông Benedict sang vị trí quản lý tầng.
Trong đơn kiện, ông Benedict cho rằng quyết định điều chuyển đó khiến ông rơi vào tình trạng khủng khoảng về tinh thần, không đảm bảo sức khỏe làm việc.
Do đó, ngày 17/12/2014, ông Ben gửi thư cho Tổng giám đốc Dongwon Kwak xin từ chức Giám đốc kinh doanh và tiếp thị từ ngày 19/1/2015. Tuy nhiên, một ngày sau đó (20/1/2015), ông bị buộc nghỉ việc tại CGV Việt Nam mà không nhận được bất kỳ thông báo trước hay quyết định nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động, ngoại trừ công văn “chi trả cuối cùng”.
Ông này khẳng định, việc ông gửi đơn xin từ chức không có nghĩa là chấm dứt hợp đồng lao động…
Do đó, ông khởi kiện CGV vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông, yêu cầu tòa buộc doanh nghiệp sử dụng lao động bồi thường các khoản lương, hoa hồng, tổng cộng gần 6 tỷ đồng.
Đại diện bị đơn cho rằng việc thuyên chuyển vị trí công tác đối với ông Benedict là do nhu cầu công việc và phù hợp với quy định của pháp luật. Khi thay đổi sang vị trí làm việc mới, nguyên đơn không phản đối và mức lương, phụ cấp lương không thay đổi theo hợp đồng lao động. Phía CGV nói ông Benedict là người đã “gửi email xin nghỉ việc” qua thư điện tử, sau đó là qua đường bưu điện nên việc công ty cho thôi việc là không trái quy định pháp luật.
Về lương và các khoản hoa hồng, đại diện bị đơn nói đã thanh toán đầy đủ cho ông Benedict. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại các khoản thì công ty thấy còn chênh lệch và thiếu 156 triệu đồng, nên tự nguyện thanh toán cho nguyên đơn.
9 năm đi kiện
Tháng 9/2023, sau 8 năm thụ lý vụ kiện, TAND TPHCM lần đầu xử sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Benedict. HĐXX xác định hai bên đã ký hợp đồng lao động thời hạn từ 1/1/2014 đến 30/4/2015. Do nhu cầu công việc nên CGV đã thuyên chuyển ông Benedict từ Giám đốc kinh doanh sang làm quản lý với mức lương theo hợp đồng.
Việc này là không trái quy định của pháp luật. Tòa dẫn chiếu khoản 1 Điều 31 Bộ luật Lao động quy định, khi gặp khó khăn hoặc theo nhu cầu sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động được phép chuyển người lao động sang công việc mới với mức thời gian không quá 60 ngày.
Sau khi nhận được thông báo thuyên chuyển, ông Benedict chủ động chấp hành với mức lương và phụ cấp không thay đổi. Cho đến ngày 17/12/2014, ông tự gửi đơn xin nghỉ việc, không có sự ép buộc nào từ CGV. Do đó, tòa cho rằng, không có căn cứ xác định CGV đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc trả các khoản tiền lương cho những tháng không được làm việc theo hợp đồng cùng các khoản thưởng, hoa hồng, tòa sơ thẩm cho rằng phía CGV đưa ra các chứng cứ đã thanh toán đủ cho ông Benedict hơn 3,1 tỷ đồng. Còn nguyên đơn cho rằng tổng cộng các khoản hoa hồng mà ông được nhận phải là hơn 6 tỷ đồng, song không có chứng cứ.
Tòa ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn là thanh toán cho ông Benedict hơn 156 triệu đồng còn thiếu do chênh lệch từ việc quy đổi ra tiền Việt Nam.
Không đồng ý với phán quyết trên, người đại diện theo ủy quyền của ông Benedict đã kháng cáo, đề nghị tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, xét xử lại theo thủ tục.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, hồ sơ vụ án thể hiện ông Benedict hoàn toàn không có đơn chấm dứt hợp đồng lao động và xin nghỉ việc mà chỉ có đơn xin từ chức nhưng HĐXX sơ thẩm xác định đây là đơn xin nghỉ việc là không đúng thực tế.
Bản án sơ thẩm xác định, giữa nguyên đơn và bị đơn có biên bản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng nhưng tại tòa phúc thẩm cả nguyên đơn và bị đơn xác nhận là không có thỏa thuận này.
Tòa cấp cao cũng cho rằng, phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả khoản tiền hoa hồng còn thiếu là hơn 4 tỷ đồng, án sơ thẩm chưa điều tra, cũng không cho đối chất để làm rõ những mâu thuẫn về khoảng thời gian chi trả nhưng lại công nhận sự tự nguyện của bị đơn về việc thanh toán cho nguyên đơn hơn 156 triệu đồng tiền hoa hồng chưa chi trả là không có căn cứ.
“Những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên cần giao hồ sơ cho TAND TPHCM giải quyết lại vụ án”, tòa phúc thẩm nêu quan điểm.
Như vậy, sau 9 năm người đàn ông ngoại quốc theo đuổi vụ kiện, mọi thứ quay trở về vạch xuất phát ban đầu.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply