Che giấu việc thất nghiệp
Thư viện Thâm Quyến (Trung Quốc) là nơi luôn đông nghịt người, bất kể trong ngày làm việc hay cuối tuần. Những người có mặt tại đây đa phần là thanh niên. Họ luôn có mặt ở thư viện dù đang trong giờ hành chính.
Trong số đó, không ít người mang theo máy tính xách tay, một số thì cặm cụi gửi CV (sơ yếu lý lịch) để xin việc, số khác xem video hoặc ngủ gật.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều cư dân mạng thú nhận rằng bản thân thường tới nơi công cộng như thư viện và quán cà phê để giả vờ làm việc, duy trì lịch trình hằng ngày của một người trưởng thành vì không muốn làm gia đình biết chuyện mất việc.
Sau khi bị một công ty tư vấn sa thải vào cuối năm 2023, giám đốc tài chính 35 tuổi Zheng Min rơi vào cảnh thất nghiệp. Zheng cho hay trong nửa năm qua, cô đã nộp đơn xin việc hơn 100 lần nhưng vẫn chưa tìm được công việc mới phù hợp.
“Tôi đã làm trong ngành tài chính hơn một thập kỷ và mức lương trung bình của tôi là 3.500 USD/tháng (hơn 88 triệu đồng). Sau khi thất nghiệp, tôi nộp đơn tới những nơi khác và thực tế, nhiều công ty chỉ trả 27,8-41,7 triệu đồng, với số giờ làm việc dài hơn và ít phúc lợi hơn”, cô chia sẻ.
Cảm thấy bất lực vì không tìm được việc làm, Zheng đã rời Hạ Môn về Thâm Quyến vào tháng 5 với hy vọng tìm được một công việc phù hợp. Tuy nhiên, thị trường lao động tại đây cũng không còn được như trước, cơ hội tìm việc dường như thu hẹp hơn nhiều.
Peng Peng, Giám đốc điều hành của Guangdong System Reform Research Society, cho hay nhiều ngành công nghiệp ở Thâm Quyến, đặc biệt là ngành tài chính và công nghệ, không chỉ phục vụ thị trường Trung Quốc mà còn liên kết chặt chẽ với thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu không ổn định, các công ty này có nhiều khả năng sẽ sa thải nhân viên hoặc giảm tuyển dụng.
Tình trạng thất nghiệp đáng báo động
Theo khảo sát của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp thành thị đạt trung bình 5,2% trong quý I năm 2024, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 14,7% vào tháng 4/2024, giảm so với mức 15,3% vào tháng 3.
Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên trên thị trường lao động hiện nay là “lời nguyền tuổi 35”. Nhiều công ty ngày nay chỉ ưu tiên sử dụng những nhân viên trẻ tuổi để giữ cho doanh nghiệp luôn mới mẻ, sáng tạo và cạnh tranh. Thực tế, danh sách tuyển dụng của các công ty thường yêu cầu ứng viên có độ tuổi dưới 35 hoặc sinh sau năm 1990.
Xu hướng này không chỉ hạn chế cơ hội chiêu mộ các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà còn làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng thất nghiệp và lỗi thời kỹ năng ở những người lao động lớn tuổi.
Theo cuộc khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc, 54,1% người lao động trong nhóm tuổi 35-39 lo lắng về tình trạng thất nghiệp, 70,7% lo sợ rằng kỹ năng của họ sẽ trở nên lỗi thời, đến 94,8% cảm thấy căng thẳng khi làm việc.
Tại Thâm Quyến, trong quý I năm nay, số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới đã tăng 40,1% so với cùng kỳ 2023, cao hơn 15% so với quý trước. Đó là còn chưa tính hết lượng người thất nghiệp chưa đăng ký, báo cáo trên hệ thống an sinh.
Chloe Wang, Phó Giám đốc công ty tuyển dụng Robert Walters China, chỉ rõ, tình trạng sa thải nhân viên tại Thâm Quyến trong quý I năm 2024 chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực công nghệ.
“Khi các doanh nghiệp công nghệ tối ưu hóa việc phân bổ nguồn nhân lực. Họ đang và sẽ loại bỏ một số vị trí việc làm không cần thiết để tập trung tuyển dụng những nhân tài sở hữu các kỹ năng và chuyên môn mới, nhằm thích ứng với nhu cầu của quá trình chuyển đổi số và toàn cầu hóa”, bà Wang nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply