© 2005-2024 Bản quyền thuộc về Báo điện tử Dân trí. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
TÌM VIỆC LÀM | TÌM VIỆC NHANH HÀ NỘI | TÌM VIỆC NHANH SÀI GÒN
Chào mừng bạn đến với website Tìm VIệc Nhanh - Tìm Việc Làm Hà Nội - Tìm Việc Làm Sài Gòn
© 2005-2024 Bản quyền thuộc về Báo điện tử Dân trí. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Vào nghề khi mới học cấp 2
Anh Bùi Quốc Hoàng (21 tuổi, TPHCM) là một freelancer (nghề tự do) đã có 6 năm kinh nghiệm trong nghề nhiếp ảnh.
Anh gây ấn tượng khi là nhiếp ảnh gia duy nhất của TPHCM đi theo đoàn 140 đại biểu tham dự Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ XI tại Hà Nội. Lần đầu tham gia sự kiện cấp quốc gia, được tác nghiệp cùng nhiều phóng viên ảnh có tiếng, anh cảm thấy “ngộp” vì vừa phải đảm bảo có ảnh đủ và đẹp gửi về đăng tin, vừa phải “chăm sóc” hình ảnh cho hàng trăm người trong đoàn.
Gần đây, anh còn có vinh dự tác nghiệp tại Phủ Chủ tịch trong sự kiện Phó Chủ tịch nước gặp mặt đoàn thiếu nhi TPHCM. Dù áp lực và lo lắng, anh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những bức ảnh chất lượng. Thành công sau những sự kiện này giúp anh trưởng thành và ghi dấu ấn trong sự nghiệp.
Để đạt tới những cột mốc đáng nhớ này, anh đã trải qua một hành trình đầy nỗ lực.
Anh Hoàng bắt đầu chụp ảnh khi chỉ mới học lớp 9. Cơ hội tác nghiệp đầu tiên của anh là tại trại hè thiếu nhi ba nước Đông Dương, giúp anh kiếm được 500.000 đồng đầu tiên.
Sau khi đạt top 4 cuộc thi ảnh áo dài nữ sinh, anh được gia đình hỗ trợ nâng cấp máy ảnh lên Canon 6D – chiếc máy ảnh “quốc dân” lúc bấy giờ và quyết định theo đuổi con đường nhiếp ảnh. Từ đây, anh làm cộng tác viên tại Quận Đoàn, tham gia chụp ảnh cho các phong trào và sự kiện.
Anh thường tự học nhiếp ảnh qua những kiến thức được chia sẻ trên mạng xã hội, xin góp ý từ người trong nghề. Lên đại học, anh tham gia hai khóa học và theo đuổi lĩnh vực chụp ảnh cưới trong hơn một năm.
Dù đã thử nhiều thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật như chụp chân dung, sản phẩm… anh vẫn đam mê nhiếp ảnh báo chí và không ngừng học hỏi từ các tiền bối. Song để có thu nhập ổn định, anh duy trì chụp dịch vụ với thu nhập dao động 10-12 triệu đồng/tháng, cao nhất gần 20 triệu đồng vào những dịp cuối năm.
Anh chia sẻ, theo đuổi nhiếp ảnh không dễ dàng khi anh học trái ngành (công tác xã hội), khiến anh đôi lúc thiếu tự tin so với những người được đào tạo bài bản. Tuy vậy, anh không chùn bước mà luôn cố gắng hoàn thiện kỹ năng, kiến thức và cải thiện sau mỗi dự án.
Anh từng trải qua nhiều sự cố trong nghề để trưởng thành và đã có những cảm xúc tiêu cực tưởng chừng phải bỏ nghề.
Một lần, khi chụp sự kiện lớn của một nhãn hàng, do không thực hiện đúng yêu cầu về số lượng hình, anh suýt phải đền hợp đồng lên tới 50 triệu đồng nếu không nhờ đồng nghiệp giúp đỡ.
Vượt qua rào cản giới tính
4 năm kinh nghiệm với nghề, chị Thanh Liểu (22 tuổi, ở TPHCM) đã thực hiện hơn 100 dự án lớn nhỏ. Mỗi dự án đều góp phần vào hành trình trưởng thành, giúp chị trở thành một nhiếp ảnh gia, một người hiểu biết, trân trọng cuộc sống và mỗi khoảnh khắc xung quanh.
Dự án khiến chị tự hào và cảm động là khi chụp ảnh cho một gia đình có người thân bị bệnh nặng. Ban đầu, chị cảm thấy áp lực vì đây có thể là những bức ảnh cuối cùng của họ bên nhau. Chị muốn mỗi bức ảnh phải thật hoàn hảo, truyền tải được tình cảm và kỷ niệm quý giá.
Chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về gia đình và những khoảnh khắc ý nghĩa nhất với họ. Trải nghiệm này giúp chị hiểu sâu hơn về giá trị của nghề và ý nghĩa thực sự của từng bức ảnh.
Chị theo đuổi nhiều thể loại như chụp sự kiện, chân dung, cưới hỏi, nhưng đam mê nhất là ảnh du lịch. Xuất thân từ hướng dẫn viên du lịch, chị yêu vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam, mong muốn dùng nhiếp ảnh để lan tỏa nét đẹp này ra thế giới.
Chị Liểu yêu thích chụp ảnh từ những năm cấp 3 nhưng chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Khi học năm nhất, nhờ cơ hội làm việc tại một studio, được tiếp xúc nhiều hơn với nhiếp ảnh đã giúp chị tìm được công việc yêu thích. Từ đó, chị tự học, mua máy và chính thức theo đuổi con đường này.
Bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh với chị là một hành trình đầy thử thách. Một trong những trở ngại lớn nhất là vấn đề kinh tế.
Để theo đuổi nghề, chị ước tính phải đầu tư gần 100 triệu đồng vào thiết bị. Vì vậy, chị phải làm thêm nhiều công việc và tiết kiệm từ những khoản chi tiêu nhỏ nhất.
Trải qua từng bước tìm kiếm khách hàng, xây dựng danh tiếng, những buổi chụp hình kéo dài hàng giờ, di chuyển liên tục với giờ giấc không ổn định là quãng thời gian vô cùng khó khăn với chị.
Ngoài ra, là một phụ nữ trong ngành nhiếp ảnh, chị cũng phải đối mặt với không ít định kiến xã hội.
Có lần đi chụp ảnh cưới, một thành viên lớn tuổi trong gia đình cô dâu đã có những lời lẽ xúc phạm, tỏ ra nghi ngờ khả năng vì chị là con gái, thậm chí yêu cầu chị rời đi ngay lập tức. Sự việc này khiến chị suy sụp suốt một tháng. Chị mất tự tin và lo lắng về tương lai, thậm chí muốn từ bỏ ngành nhiếp ảnh.
Sau cùng, nhờ sự động viên từ người thân, chị đã vực dậy tinh thần, coi những ánh mắt nghi ngờ và lời nói không hay về mình là động lực cố gắng. Chị dành thời gian học hỏi, cải thiện kỹ năng và chuẩn bị tâm lý vững vàng cho những thử thách sau này.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Để thu hút các nhà tuyển dụng, Song Jiale (21 tuổi) đã đặt hàng loạt áo phông rồi in CV (hồ sơ xin việc) ở phía sau rồi mặc đi khắp nơi. Giải pháp sáng tạo của Song đã gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc.
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc, Song cho biết anh sẽ tiếp tục việc học sau đại học để có được những bằng cấp cao hơn. Nhưng hiện tại, Song muốn có kinh nghiệm thực tế trong công việc, vì thế anh sẽ đi làm một thời gian trước khi tiếp tục việc học.
Dù vậy, hồ sơ ứng tuyển của Song gửi đi đều không đưa lại kết quả như mong muốn.
“Tôi quyết định tự biến mình thành một biển quảng cáo di động để nhiều người để ý đến mình, chia sẻ về mình trên mạng xã hội. Như vậy, nhiều nhà tuyển dụng sẽ biết tới tôi, cơ hội có việc làm đúng chuyên môn sẽ gia tăng”, Song chia sẻ.
Ở mặt trước của áo phông, Song cho in dòng chữ: “Tốt nghiệp đại học năm 2024, đang tìm kiếm việc làm, mời xem CV phía sau áo”.
Ở mặt sau của áo phông, Song cho in CV chi tiết với đầy đủ thông tin về quá trình học tập cũng như những nơi anh từng thực tập khi còn là sinh viên.
Song còn tạo mã QR để những người quan tâm có thể dễ dàng liên hệ với anh. Bên cạnh mã QR, Song viết lời nhắn: “Những nhà tuyển dụng quan tâm tới tôi, những bạn trẻ cũng đang tìm kiếm việc như tôi, mời scan mã QR để liên lạc với tôi. Tìm kiếm việc làm bây giờ cũng khó như tìm kiếm bạn đời, chúng ta hãy giúp nhau”.
Song luôn mặc chiếc áo phông có in CV khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Song cho biết sau khi hình ảnh của anh lan truyền trên mạng xã hội, nhiều công ty đã liên hệ với anh. Sau cùng, Song đã tìm được việc làm đúng ngành nghề để có trải nghiệm thực tế trước khi tiếp tục việc học lên cao.
Câu chuyện về Song khiến cộng đồng mạng Trung Quốc ngưỡng mộ sự sáng tạo táo bạo của chàng thanh niên trong quá trình đi tìm việc làm.
Thị trường việc làm tại Trung Quốc hiện rất khắc nghiệt, tính cạnh tranh cao. Chỉ tính riêng trong năm nay, Trung Quốc có thêm 11,5 triệu sinh viên mới tốt nghiệp, bắt đầu tham gia thị trường lao động. Nhà chức trách nước này ước tính tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên độ tuổi từ 16 tới 24 đang ở mức hơn 18%.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
“Tay ngang” vào nghề
Anh Trần Trung Hiếu (29 tuổi, ở TPHCM) là một nhà quay phim, sáng tạo nội dung, sản xuất video chuyên nghiệp.
Sở hữu những trang mạng xã hội với lượt theo dõi “khủng”, anh gây ấn tượng với khán giả bằng những video với hình ảnh đẹp, giọng đọc trầm ấm thu hút người xem.
Anh từng tham gia sản xuất và làm đại sứ hình ảnh cho nhiều chiến dịch cộng đồng lớn như chiến dịch phòng chống HIV/AIDS cho Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh TPHCM, kêu gọi xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học vùng cao…
Sau một tai nạn nghiêm trọng bị hôn mê sâu, anh tự vấn về đam mê của mình và quyết định “trò chuyện” với phiên bản tốt hơn của bản thân thông qua tuyển tập video ngắn “Trò chuyện với đam mê”. Những triết lý sống và làm việc trong chuỗi video này được khán giả nhiều lứa tuổi đón nhận nồng nhiệt.
Hiện tại, với nhiều vai trò và vị trí làm việc khác nhau, anh đã đạt được mức thu nhập đáng ngưỡng mộ 100-200 triệu đồng/tháng. Đây là kết quả của một hành trình dài đầy nỗ lực và thử thách.
Xuất phát từ mong muốn ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống cá nhân, năm 2012, anh bắt đầu theo đuổi lĩnh vực sản xuất hình ảnh với vai trò quay phim. Hai năm sau, anh cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.
Khi bắt đầu sự nghiệp, anh gặp nhiều khó khăn do chỉ là “tay ngang” từ ngành công nghệ thông tin. Dù có một số kỹ năng liên quan như tìm hiểu phần mềm, anh vẫn thiếu hụt về kiến thức và tài liệu tham khảo chuyên môn.
Anh từng gặp phải thất bại lớn khi một số sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng do thiếu kiến thức phân tích chi tiết chiến dịch quảng cáo.
Thất bại này giúp anh nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối và cùng khách hàng giải quyết vấn đề từ đầu, luôn trung thực và coi sản phẩm của khách hàng như của mình. Nhờ đó, anh có thể tập trung hơn vào từng dự án, đảm bảo sản phẩm đạt đúng mục tiêu và định hướng đề ra.
Anh so sánh sản xuất hình ảnh với việc vẽ tranh, phải bắt đầu từ những nét đầu tiên mới thấy điểm cần cải thiện. Vì vậy, anh chủ yếu dành thời gian thực hành qua các sản phẩm cá nhân và tham gia các dự án phi lợi nhuận để rèn luyện kỹ năng, dần hoàn thiện bản thân.
“Tuổi trẻ ta hết mình với thứ được gọi là đam mê!”
Câu nói nổi tiếng của anh, “Tuổi trẻ ta hết mình với thứ được gọi là đam mê…” cũng chính là kim chỉ nam trong hành trình phát triển của mình.
Ngoài công việc chính là sản xuất hình ảnh cho các đơn vị khách hàng, anh Hiếu còn là một nhà sáng tạo nội dung.
Mỗi ngày, anh phát triển ý tưởng và thực hiện các video ngắn chia sẻ những câu chuyện làm nghề trên mạng xã hội, thực hành viết lách để duy trì hiệu suất và tránh “cạn” ý tưởng trong công việc. Việc này giúp anh hoàn thành các mục tiêu nhỏ, tiếp thêm năng lượng và giữ bản thân luôn hoạt động hiệu quả.
Anh thường bắt đầu quá trình sáng tạo bằng việc lựa chọn một chủ đề, tìm yếu tố đối lập để tạo sự “tương phản”, phân tích kỹ thuật để chuyển ngôn từ thành hình ảnh gần gũi, tiếp cận đa dạng khán giả.
Anh mong muốn truyền tải nội dung đơn giản, không theo chuẩn xã hội, bởi anh tin rằng: “Người cần những thứ đó là những người chưa thực sự tiếp cận hay dễ dàng đón nhận thông tin mình chia sẻ, nhất là những khán giả, khách hàng mới.”
Sau hơn một thập kỷ gắn bó với nghề, anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Với anh, công việc này không chỉ làm đẹp cho khách hàng hay nâng cao hình ảnh cá nhân, mà còn truyền cảm hứng và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa cho cộng đồng.
Anh luôn tự hào khi nhận được sự trân trọng từ khách hàng và khán giả sau mỗi dự án hay sản phẩm cá nhân.
Ngoài chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội, anh cũng thường tham gia chia sẻ định hướng nghề nghiệp tại các trường học, giúp mọi người hiểu rõ hơn về lĩnh vực sản xuất hình ảnh.
Là một người có tầm ảnh hưởng, anh thường phải đối mặt với phản hồi tiêu cực và chỉ trích. Hiểu rằng không thể bao quát hết mọi góc nhìn, anh luôn chọn cách ghi nhận và học hỏi để hoàn thiện mọi mặt.
Một lần, khi nhận được bình luận từ một khán giả khiếm thính, anh nhận ra tệp khán giả của mình rất đa dạng và ai cũng xứng đáng được tiếp nhận thông tin. Từ đó, anh bắt đầu thêm phụ đề cho các video để đảm bảo mọi người đều có thể xem và hiểu được nội dung.
Cam Ly
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Trong cái lạnh âm 20 độ C của Overhalla (Na Uy), tuyết rơi dày trắng xóa, Đoàn Tấn Phước (SN 1997) vẫn dậy từ sớm, uống một cốc cà phê cho tỉnh táo trước khi đến nông trại.
Tấn Phước cho hay ở Na Uy, nhiệt độ cao nhất vào mùa hè cũng chỉ 23 độ C. Vì thế, cậu luôn phải giữ ấm, đặc biệt là suốt quá trình làm việc ngoài trời.
Trên đường đến nông trại, thứ hiện ra trước mắt Phước luôn là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Chàng trai nói, bản thân thích nhất là cảnh đồi núi phủ tuyết vào buổi sáng và cảnh cực quang (hiện tượng quang học hiếm gặp, khi bầu trời xuất hiện màu sắc của các dải ánh sáng mặt trời trong đêm).
“Ra nước ngoài để làm việc, vấn đề khó khăn nhất không chỉ là thời tiết khắc nghiệt, khác biệt mà thử thách thực sự là sự cô đơn. Người xa quê như tôi luôn thấy nhớ nhà da diết. Những lúc rơi vào cảm giác ấy, tôi lại lặng lẽ ngắm cảnh, nhờ thiên nhiên xoa dịu nỗi lòng”, Phước nói.
Chàng trai chia sẻ anh đã đến Na Uy làm nông nghiệp hơn 19 tháng. Trước đó, Phước từng là thực tập sinh tại Đan Mạch hơn 1 năm. Sau khi trở về Việt Nam, anh quyết định xin visa diện lao động có tay nghề để tiếp tục sang Châu Âu, cụ thể là Na Uy để làm việc.
“Để được nhận visa, cũng như công việc mong muốn ở Na Uy, yêu cầu trước hết với tôi là phải có khả năng tiếng Anh tốt, kinh nghiệm thực tập và tốt nghiệp đại học chuyên ngành về chăn nuôi ở Việt Nam”, Phước cho biết.
Hằng tháng, Phước có thể kiếm được khoảng 70 triệu đồng từ công việc làm nông. Ở nông trại, chàng trai chỉ làm việc 3-5 tiếng/ngày, 160-180 tiếng/tháng. Anh sống trong căn nhà nhỏ được bố trí ngay tại trang trại.
Nhiệm vụ hằng ngày của anh là chăm sóc đàn heo, tiêm ngừa và đỡ đẻ cho heo nái. Thỉnh thoảng, anh cũng theo chủ trang trại đi trồng khoai tây, lúa mì, lái máy cày,… để kiếm thêm thu nhập.
“Công việc không quá vất vả, tôi có thể tự quyết định khoảng thời gian làm việc trong ngày, miễn sao đủ số giờ quy định hằng tuần, hàng tháng”, Phước nói.
Không chỉ có thu nhập hấp dẫn, trải nghiệm làm nông ở Na Uy còn cho chàng trai trẻ nhiều câu chuyện đáng nhớ. Phước bộc bạch, bản thân đã trưởng thành hơn sau thời gian xa nhà.
Ngoài ra, cậu cũng học được những điều hay trong văn hóa, cách làm việc, tính cách của người dân Na Uy.
“Tôi có một người chủ tốt bụng, lúc nào cũng quan tâm, ân cần hỗ trợ. Tôi nhớ nhất lần được chủ mời xuống nhà cùng ăn tối trong đêm Giáng sinh, cảm giác ấm áp và đỡ tủi thân rất nhiều”, chàng nông dân nói.
Trong quá trình làm việc, Phước thường xuyên quay video đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong công việc, cuộc sống nơi xứ lạ. Với lối dẫn chuyện hài hước, dí dỏm, nhiều video của cậu gây “bão” trên mạng xã hội.
Phước cho hay, nhờ những lời bình luận, động viên của cư dân mạng, anh cảm thấy công việc của mình trở nên rất ý nghĩa. Anh cũng thường xuyên tư vấn cho những bạn trẻ có ý định sang Na Uy làm việc như mình.
Sắp tới, Phước dự định sẽ về Việt Nam một thời gian, khởi nghiệp kinh doanh với số vốn gom góp được từ công việc làm nông ở Na Uy.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Bỏ nghề xây dựng về làm nông nghiệp
Cuối tháng 6, mặc dù chưa đến mùa nhãn, trên quả đồi hơn 2ha của gia đình anh Đỗ Đồng Tâm (SN 1988, trú xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn nhộn nhịp cảnh thu hoạch nhãn. Anh Tâm là người tiên phong với mô hình trồng nhãn trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nổi tiếng khắp vùng.
Anh Tâm chia sẻ, trước khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp, anh từng có một công việc ổn định trong nghề xây dựng.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Tâm làm việc cho một doanh nghiệp xây dựng tại Thanh Hóa và sau đó cùng chung vốn mở công ty riêng. Dù công việc ổn định và thu nhập khá, anh Tâm vẫn luôn đam mê với nông nghiệp.
“Từ nhỏ mình đã thích trồng trọt, chăn nuôi. Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng người dân chủ yếu làm theo kiểu truyền thống, trồng mía và sắn không mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Tâm chia sẻ.
Năm 2018, anh quyết định bỏ nghề xây dựng, trở về quê tạo hướng đi mới trong nông nghiệp. Tận dụng hơn 2ha vườn nhãn của gia đình, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng để đi khắp các vùng nhãn nổi tiếng nghiên cứu cách trồng nhãn trái vụ.
Giữa năm 2018, anh bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng nhãn trái vụ. Ngày biết tin anh bỏ xây dựng về quê trồng trọt, gia đình can ngăn.
“Bố mẹ không đồng ý khi biết tôi về quê làm nông nghiệp. Ông bà cho rằng từ một người có công việc ổn định, không biết nhiều về nông nghiệp, lại dám về quê trồng nhãn chỉ thất bại. Nhưng vì đam mê, tôi quyết tâm thuyết phục và chứng tỏ cho mọi người thấy”, anh Tâm nói.
Năm 2019, vụ nhãn đầu tiên của anh thành công ngoài mong đợi. Hơn 500 gốc nhãn cho quả sớm hơn khoảng 4 tháng, khiến nhiều người bất ngờ.
Doanh thu tiền tỷ
Nhiều năm qua, vườn nhãn của anh Tâm mang về doanh thu “khủng”, mỗi vụ 1,5-2 tỷ đồng. Thông thường mùa nhãn bắt đầu từ tháng 10, nhưng vì làm trái vụ nên vườn nhãn của anh cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Mỗi năm 1 vụ, với 500 gốc nhãn, anh thu khoảng 60-65 tấn/vụ.
Giống nhãn mà anh trồng là nhãn Hương Chi, xuất xứ từ Hưng Yên. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội. Năm nay thời tiết thuận lợi, anh dự kiến sẽ thu khoảng 65 tấn, với giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu khoảng 2 tỷ đồng.
“Trồng nhãn trái vụ có lợi thế là giá bán ra cao gấp nhiều lần so với nhãn đúng thời vụ. Ngoài ra, mình không bị cạnh tranh quá nhiều nên lợi nhuận cao. Năm 2022, tôi xuất bán với giá 55.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có hàng để bán”, anh Tâm nói.
Bật mí về kỹ thuật “bắt” nhãn ra quả trái vụ, anh Tâm cho biết chủ yếu sử dụng phân bón để ức chế quá trình sinh trưởng của cây, sau đó quan sát quá trình sinh trưởng và thời tiết dài hạn để lựa chọn thời điểm cho cây ra hoa.
Năm 2022, anh Tâm liên kết với 12 hộ trồng nhãn trong vùng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, mô hình trồng nhãn của gia đình anh còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên, chuyển giao công nghệ, cấp cây giống, bao tiêu đầu ra cho nhiều nhà vườn ở địa phương.
Anh Tâm cho biết sẽ mở rộng mô hình và liên kết với nhiều hộ dân ở các huyện có lợi thế về trồng trọt trên địa bàn Thanh Hóa.
Ông Hoàng Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trung cho biết toàn xã có khoảng 10ha nhãn. Trong đó, mô hình của anh Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, anh còn là người tiên phong trong phát triển mô hình trồng nhãn trái vụ.
“Ngoài làm kinh tế giỏi, mô hình của anh Tâm còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Việc áp dụng kỹ thuật trồng nhãn trái vụ đã tạo nên một bước đột phá trong trồng trọt trên địa bàn. Địa phương đang xây dựng phương án để đưa sản phẩm của anh Tâm thành sản phẩm OCOP, đồng thời khuyến khích người dân học tập kinh nghiệm, liên kết với anh Tâm trồng nhãn trái vụ”, ông Dũng cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Trời nóng như đổ lửa, Xie Mingxia (52 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và nhiều phụ nữ trung niên khác, đứng trước tòa nhà 72 tầng, mắt nhìn chằm chằm vào dòng xe cộ.
Ngay khi thấy một người đi xe máy mặc trang phục đặc trưng của người giao hàng (shipper), Xie và những người khác liền vây lấy, hỏi liên tục: “Tầng nào, phòng mấy?”.
Nhanh chóng, họ tranh nhau gói hàng chuyển phát nhanh từ tay shipper. Người lanh lẹ nhất sẽ giành được gói hàng. Họ sẽ yêu cầu shipper thanh toán thù lao bằng mã QR, rồi lao thẳng vào bên trong tòa nhà, tìm đúng địa chỉ trên gói hàng để giao cho khách.
Cứ mỗi đơn hàng giao hộ thành công, bà Xie được trả 2-10 NDT (khoảng 7-35.000 đồng).
Những người như bà Xie được gọi là “người chạy chặng cuối”. Thay vì phải mất thêm một khoảng thời gian giao hàng cho những vị khách bên trong các tòa nhà cao tầng, shipper chuyển phần việc đó cho “người chạy chặng cuối” với mức thù lao giá rẻ.
“Người chạy chặng cuối” đa phần là phụ nữ ở độ tuổi 50. Dịch vụ họ cung cấp giờ phổ biến ở các tòa nhà chọc trời tại đô thị phía nam Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông). Những người làm dịch vụ này thường không biết tên nhau, chỉ nhận dạng bằng cách gọi quê hương của “đồng nghiệp”.
Dịch vụ này xuất hiện khi nhu cầu đặt hàng trực tuyến ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các shipper lại gặp khó khăn trong việc giao hàng trong những tòa nhà cao tầng, vì họ không thể tìm được chỗ đỗ xe và điều đó cũng làm mất nhiều thời gian. Nếu thời gian giao hàng bị trễ, họ có thể bị phạt 50-500 NDT (khoảng 175.000-1,7 triệu đồng).
Shipper thường lựa chọn “người chạy chặng cuối” mà họ cho là có khả năng chạy nhanh nhất. Thỉnh thoảng, những người làm dịch vụ này sẽ tranh nhau đơn hàng. Hầu hết các shipper cũng không can thiệp vì chỉ muốn giao hàng nhanh nhất có thể.
Nhờ những người làm dịch vụ này, shipper có thể hoàn thành 40 đơn hàng/ngày, giảm thiểu những khiếu nại về thời gian.
Meng, một người “chạy chặng cuối”, cho biết cô có thể giao 70 đến 100 đơn hàng mỗi ngày. Thu nhập của cô bắt đầu ở mức 6,9 NDT/đơn hàng lên 8 NDT. Để tối đa số đơn, Meng thường bỏ ăn sáng, thậm chí có hôm cô chỉ uống nước, không ăn cho đến 21h.
Zhang Yuying, một người “chạy chặng cuối” khác, chia sẻ cô từng bị một đồng nghiệp đấm liên tục, bị thương ở tay vì giành giật đơn hàng.
Được biết, công việc “chạy chặng cuối” đã xuất hiện từ lâu, thời gian đầu không được chú ý nhiều. Cho đến kinh tế khó khăn, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, dịch vụ này trở thành một cơ hội việc làm mới.
Lúc đầu, một người “chạy chặng cuối” có thể kiếm 80 NDT (khoảng 280.000 đồng) trong một buổi chiều, nhưng giờ càng có nhiều người làm nghề này, khiến cho thu nhập của người chạy giảm chỉ còn một nửa.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Từ đầu bếp thành người chế tác tranh
Từng có 7 năm làm đầu bếp ở TP Nha Trang, Đinh Nhật Hoàng (SN 1994, ngụ tại TPHCM) quyết định ngưng việc, tạm nghỉ ngơi. Vì là người hướng nội, Hoàng càng đắm chìm vào những sản phẩm về thiên nhiên để hướng đến việc chữa lành cho bản thân.
3 năm trước, trong một lần tìm hiểu, anh vô tình biết đến thú chơi thủy sinh, hồ bán cạn, terrarium (hệ sinh thái thu nhỏ),… Càng tìm hiểu, Hoàng càng bị cuốn hút bởi những mảng rêu tuyệt đẹp trên những sản phẩm này.
“Tôi thích rêu vì quá trình phát triển của nó chậm, không như những loài cây khác. Bản thân lúc đó tự hỏi làm sao để biến chúng thành một tác phẩm tuyệt đẹp. May mắn, tôi vô tình biết đến nghệ thuật tranh rêu.
Thay vì vẽ tranh bằng bút, cọ thì người thợ sẽ chế tác tranh bằng rêu. Bản thân thấy môn nghệ thuật này rất hay và có tính sáng tạo cao nên quyết định theo đuổi nó”, anh nói.
Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn vì mô hình này ở Việt Nam vẫn chưa thịnh hành. Không tìm được tài liệu học tập, Hoàng mày mò suốt 1 năm liền để sưu tầm những tài liệu ở nước ngoài. Thậm chí, anh còn bỏ tiền ra để học kỹ thuật xử lý rêu từ chuyên gia nước ngoài.
Nắm được kiến thức, anh bộc bạch quá trình thử nghiệm cũng không hề đơn giản.
“Tôi đã thất bại rất nhiều lần, tốn hàng chục triệu đồng để có một tác phẩm thành công đầu tay”, anh nói.
Với sự nỗ lực không ngừng, giờ đây Hoàng đã sáng tạo ra hàng chục sản phẩm tranh rêu với giá dao động 7-12 triệu đồng/m2.
Mức giá cao này giúp cho anh có thể kiếm được 20-30 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có lúc Hoàng kiếm được trăm triệu đồng vì có người sẵn sàng chi tiền để anh đến gia công công trình tranh rêu có diện tích 10m2.
Môn nghệ thuật gần với thiên nhiên
Để làm ra một bức tranh rêu hoàn chỉnh, ngoài tính sáng tạo, anh Hoàng cho biết người thợ còn phải trải qua các công đoạn vô cùng tỉ mỉ. Công đoạn quan trọng nhất chính là xử lý rêu. Rêu sẽ được lấy từ các khu rừng, ngọn suối, mang về rửa thật sạch rồi mang đi phơi gió cho ráo nước.
Sau đó, chàng trai sẽ bắt tay vào dùng hóa chất có công dụng dưỡng ẩm để khiến rêu “ngủ đông”. Hóa chất này được dùng trong lĩnh vực mỹ phẩm, không gây hại cho người thợ và người chơi tranh.
“Ngủ đông chính là để rêu giữ được trạng thái đẹp nhất, không phát triển hay phân hủy thêm. Nếu không cẩn thận, rêu sẽ tiếp tục quá trình phát triển, chết đi, tạo ra nhiều nấm mốc gây hỏng cả bức tranh”, Hoàng cho hay.
Khi đã hoàn thành công đoạn xử lý, anh bắt đầu phác thảo ý tưởng, bố cục tổng thể của tranh lên khung tranh, rồi tiến hành đính từng mảng rêu lên. Các mảng rêu phải được sắp xếp sao cho hài hòa về màu sắc, đồng thời tuân thủ các tỉ lệ vàng, bố cục đẹp mắt để tạo ấn tượng với người xem.
Cuối cùng, chàng trai sẽ dùng gỗ lũa, sỏi, cát, tiêu bản xương động vật,… để gây hiệu ứng cho tranh. Mỗi bức tranh thường mất vài tuần đến vài tháng để hoàn thành, tùy theo độ chi tiết và kích thước.
Các bức tranh do Hoàng làm ra thường là cảnh bãi biển, thảo nguyên hay đơn thuần là bờ sông, rừng nguyên sinh vô cùng đẹp mắt.
“Người đam mê tranh rêu thường là người yêu thích thiên nhiên, muốn có cây cảnh trong nhà nhưng không có thời gian chăm sóc. Một số người còn tìm đến tranh rêu vì muốn có một thứ gì đó giúp họ chữa lành”, anh chia sẻ.
Chàng trai 9X cho hay bản thân cũng cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng hơn khi làm việc với rêu. Đối với Hoàng, đây là công việc giúp anh hòa mình với thiên nhiên, được sống thật với cảm xúc bởi mỗi bức tranh là toàn bộ tình cảm, tâm tư, thông điệp mà anh muốn truyền tải.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
7h30, Đoàn Kim Tấn, một nhân viên điều dưỡng tại Australia, vừa kết thúc ca làm việc kéo dài 17 tiếng ở bệnh viện. Giống như các điều dưỡng khác, lê cơ thể rã rời về nhà, Tấn còn phải làm sao cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Có như vậy mới có đủ sức khỏe, đáp ứng được cường độ công việc cho ngày tiếp theo.
Công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn cực cao
Đoàn Kim Tấn (23 tuổi) hiện là một điều dưỡng viên tại khoa hồi sức tích cực (ICU), thuộc bệnh viện ở Canberra (Australia). Tấn hài lòng khi công việc mang lại thu nhập mơ ước nhưng đổi lại, anh phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Bệnh viện nơi Tấn làm việc chia 3 ca/ngày, trong đó, ca sáng và trưa kéo dài 8 tiếng, ca tối 10 tiếng. Tuy nhiên, vào những hôm bệnh viện cần thêm nhân lực hỗ trợ, điều dưỡng được chọn làm 2 ca liên tục. Nghĩa là làm việc từ 13h đến 7h30 hôm sau.
Hằng ngày, công việc của một điều dưỡng như Tấn bao gồm các đầu việc như tiếp nhận hồ sơ, làm quen, kiểm tra sơ bộ sức khỏe của bệnh nhân, lập danh sách và chuẩn bị các loại thuốc,… Quan trọng nhất chính là lúc nào cũng theo dõi và hỗ trợ mỗi khi bệnh nhân cần.
“So với một số nghề vì công việc này rất vất vả. Ở Australia, người lao động hầu hết chỉ làm việc từ 8h đến 16h là nghỉ, với nghề điều dưỡng, ai cũng phải đi sớm, về khuya hoặc thậm chí là không về nhà vì phải làm tăng ca”, Tấn nói.
Ngoài áp lực về thời gian, điều dưỡng viên còn chịu áp lực về chuyên môn. Bởi sức khỏe và tính mạng của con người luôn là vấn đề hệ trọng. Bản thân mỗi điều dưỡng phải nắm chắc lượng kiến thức khổng lồ và hiểu rõ quy trình hoạt động của bệnh viện.
“Mọi việc phải được thực hiện vô cùng chính xác, không thể xảy ra bất kỳ sai sót nào. Những kiến thức học ở trường chỉ là cơ bản, thực tế có nhiều rắc rối hơn phát sinh, đòi hỏi người điều dưỡng phải ứng biến. Ngoài ra, các điều dưỡng mới ra trường còn phải học cách thích nghi với môi trường làm việc thật nhanh chóng”, anh chia sẻ.
Anh Tân nói nửa thật nửa đùa rằng, trong các “thể loại” áp lực, việc đối mặt với bệnh nhân là thứ khiến điều dưỡng đau đầu nhất. Theo Kim Tấn, yêu cầu tiên quyết với một điều dưỡng để theo được nghề lâu dài chính là học cách hiểu và thông cảm cho bệnh nhân.
“Chúng tôi lúc nào cũng phải kiên nhẫn. Một người điều dưỡng giỏi, ngoài chuyên môn thì phải giao tiếp tốt. Điều dưỡng như chiếc cầu nối với bác sĩ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ về mặt tinh thần cho bệnh nhân.
Rõ ràng, chỉ khi bệnh nhân ổn định về tinh thần thì việc tiếp nhận điều trị mới trở nên dễ dàng hơn, giúp tăng khả năng, hiệu quả chữa bệnh”, Tấn bộc bạch.
Chàng trai kể, bản thân từng ngồi nói chuyện với một bệnh nhân suốt 2 giờ, chỉ để họ bình tĩnh và hợp tác hơn với đội ngũ y tế.
“Tôi nhớ nhất là những lần bị bệnh nhân la mắng, nhổ nước bọt và thậm chí là đá, đấm loạn xạ, lần nào cũng phải nhẫn nhịn. Tất nhiên, những việc như vậy chỉ xảy ra ở những bệnh nhân gặp vấn đề về bệnh lý, không phải trường hợp nào cũng thế”, nam điều dưỡng cười xòa.
Cơ hội việc làm rộng mở
Sau những áp lực to lớn, tại Úc, thu nhập là lý do, động lực níu chân điều dưỡng ở lại với nghề. Theo Kim Tấn, một điều dưỡng mới ra nghề như anh có thể kiếm được 80-100.000 AUD/năm (tương đương khoảng 1,3-1,6 tỷ đồng). Với những người làm lâu năm, cứng tay, mức thu nhập còn cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các điều dưỡng viên cấp cao còn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ như 7 tuần nghỉ, 3,5 tuần nghỉ… dưỡng sức mà vẫn được trả lương. Hơn nữa, các bệnh viện ở Úc luôn có những chương trình hỗ trợ tâm lý miễn phí cho đội ngũ y tế.
“Làm nghề này, tôi được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, lắng nghe câu chuyện và cuộc đời họ. Bản thân tôi, vì thế, cũng trưởng thành và biết trân trọng cuộc sống hơn”, Tấn nói.
Nam điều dưỡng chia sẻ, trước đây, anh đến Australia theo diện du học. Tấn chọn học ngành điều dưỡng vì thị trường rất “khát” nhân lực.
Để trở thành một điều dưỡng, Tấn cho hay có thể lựa chọn học hệ đại học (kéo dài 3 năm) hoặc cao đẳng (kéo dài 1,5 năm). Quá trình học cũng vất vả, thách thức, bởi sinh viên vừa phải liên tục viết bài luận, vừa phải thực tập không lương tối thiểu 800 giờ ở các bệnh viện.
“Quỹ thời gian dành cho việc học hầu như là cả ngày, hiếm có lúc nghỉ. Nhưng đổi lại, học xong là có thể đi làm ngay”, nam điều dưỡng chia sẻ.
Đến thời điểm tốt nghiệp, nếu đạt tiêu chuẩn, có chứng chỉ IELTS 7.0 hoặc PTE 65 cho tất cả các kỹ năng, người học đã có thể xin được chứng chỉ hành nghề AHPRA (Australian Health Practitioner Regulation Agency).
Chàng trai nhấn mạnh, tiêu chuẩn về tiếng Anh nói trên cũng là điều kiện đầu vào và đầu ra khi đăng ký học ở các trường đại học.
Thực tế, sau mỗi đợt sinh viên đại học tốt nghiệp, các bệnh viện ở Australia đều mở chương trình hỗ trợ điều dưỡng mới ra trường tập làm quen với công việc. Thông thường, chương trình này kéo dài trong 1 năm.
“Cơ hội về nghề điều dưỡng ở Úc đang rất rộng mở vì tình trạng thiếu nhân lực tại các bệnh viện. Vì thế, những ai quan tâm đến nghề này cần trang bị kỹ năng tiếng Anh tốt và xác định rõ lộ trình, nuôi dưỡng đam mê”, Kim Tấn khuyến cáo.
Theo báo cáo của cơ quan Lao động Y tế Australia (HWA), quốc gia này dự kiến mức thiếu hụt tới 100.000 điều dưỡng viên vào năm 2025 và 123.000 điều dưỡng vào năm 2030. Sự thiếu hụt này sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực thành thị, nơi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà và các dịch vụ điều dưỡng khác rất cao.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt sắp xảy ra và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế có tay nghề cao, Australia đang tập trung vào việc cải thiện điều kiện làm việc trong lĩnh vực này. Bộ Y tế đã phát động các chiến dịch tuyển dụng và học bổng có mục tiêu để khuyến khích người lao động ghi danh vào các chương trình đào tạo điều dưỡng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Không còn thời gian cho bản thân, gia đình
Trở về nhà trọ sau gần 20 giờ lái xe, anh L.M.T. (42 tuổi), tài xế xe công nghệ, thấy cơ thể không còn chút sức lực nào. Ngó thấy vợ con đã ngủ say, anh T. thở dài, mệt mỏi leo lên giường để ngủ một lát.
Giấc ngủ chưa kéo dài được bao lâu, anh T. chợt tỉnh giấc khi chuông báo thức reo khi đồng hồ đã điểm 4h sáng. Lúc này, anh lại thay quần áo, tiếp tục hành trình mưu sinh. Cứ thế, 6 năm qua, một tài xế xe ôm công nghệ như anh hầu như ngày nào cũng về nhà khi vợ con đã ngủ và rời đi khi gia đình chưa thức.
Thỉnh thoảng, anh cũng dành một vài ngày nghỉ ở bên gia đình. Nhưng mỗi ngày nghỉ là từng ngày lo, bởi xem như ngày đó anh không kiếm được ra tiền. Hơn nữa, anh làm tài xế xe công nghệ, vợ làm công nhân.
Tiền kiếm được của hai vợ chồng chỉ đủ lo cho sinh hoạt trong gia đình. Vì thế, anh chẳng dám nghĩ đến chuyện đưa vợ con đi chơi vào ngày nghỉ.
Đối với anh T., anh sợ nhất là hôm nào xe hư hay bản thân bị ốm nặng. Bởi ngày đó xem như chẳng kiếm được tiền mà còn “lỗ vốn”.
“Mỗi ngày, mở mắt ra là tốn mấy trăm nghìn đồng. Nào là tiền trọ, điện, nước, tiền học cho con, ăn uống,… sừng sững trước mắt. Bản thân phải tự nhủ làm sao kiếm được đủ số tiền ấy thì mới được về nhà. Nói thật, cực kỳ áp lực!”, anh T. nói.
Trước đây, anh T. có nhà ở TPHCM, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên đành bán nhà, thuê trọ ở tỉnh Long An để sống. Hằng ngày, anh đều chạy xe hàng chục km lên thành phố. Anh T. ăn “bụi”, ngủ “bụi”, dần dà sức khỏe cũng bị hao mòn theo thời gian.
Dạo gần đây, thu nhập giảm 50% so với trước. Vậy nên thay vì chỉ làm việc hơn 10 tiếng, anh T. “tăng tốc”, chạy gần 20 tiếng/ngày.
“Bản thân không có thời gian gần gũi với gia đình cũng lâu quá rồi. Mọi thứ dần trở thành thói quen, tôi cứ đi làm về là ngủ, ngủ dậy lại đi mà chẳng kịp nói câu nào. Lắm lúc, tôi ngẫm lại không biết vợ tôi có chán nản, mang con bỏ tôi mà đi hay không”, anh T. nói nửa thật, nửa đùa, miệng cười chua chát.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Theo anh T., nghề tài xế là nghề “làm dâu trăm họ”. Bởi bản thân lúc nào cũng phải làm vừa lòng người khác mà không dám lên tiếng.
“Có nhiều khách hàng họ không hiểu, chỉ vì một vài hiểu lầm nhỏ mà họ đánh giá tài xế 1 sao. Nhiều lúc chúng tôi bị oan nhưng không thể giải thích vì sợ khách hàng cho rằng mình đang cãi lại. Nhưng không giải thích thì lại bị đánh giá, trừ điểm”, anh T. thở dài, nói.
Gần đây, sự việc tài xế giao hàng (shipper) bị nhân viên quán cơm bắt chờ 30 phút, mắng: “Anh sao so bì với khách em được”, đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Xem qua video đó, anh Nguyễn Huy Bình (41 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An), tài xế xe công nghệ, chỉ cười trừ, bởi anh cũng nhiều lần trải qua cảm giác bị xem thường ấy.
“Chúng tôi là tài xế, đại diện cho khách hàng đến lấy món nhưng có nhiều quán họ ưu tiên khách đến mua trực tiếp, gạt shipper qua một bên. Những lúc như vậy, bản thân chỉ có thể chịu đựng mà không làm được gì khác”, anh Bình bộc bạch.
Làm nghề hơn 1 năm, anh Bình đã sớm thấm thía đủ mọi “đắng cay” mà nghề mang lại. Không những vậy, anh còn cảm nhận sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt. Để kiếm thêm thu nhập, anh và nhiều đồng nghiệp khác phải làm việc đến mức quên ăn, khiến cho bệnh dạ dày ngày càng tệ hơn.
“Nhiều người khuyên thấy cực quá thì kiếm nghề khác làm, nhưng bây giờ kiếm việc đâu phải dễ. Tôi cũng từng là công nhân, bị sa thải rồi đi chạy xe ôm công nghệ. Ở tuổi này mà xin đi làm công nhân thì khó có chỗ nào nhận lắm. Bây giờ chỉ cố gắng đến đâu hay đến đó thôi”, anh Bình thở dài, nói.
Anh Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân, nhận định, thời gian qua, tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn trong công việc, đặc biệt là sự sụt giảm về thu nhập.
Nguyên nhân là do ngày càng có nhiều người đăng ký làm tài xế, khiến cho “miếng bánh” càng bị chia nhỏ.
Thấu hiểu những vất vả của tài xế, thời gian qua, đơn vị cũng đã tổ chức nhiều mô hình hỗ trợ cho tài xế, mới nhất là “Điểm dừng chân” được bố trí tại một quán cà phê trên địa bàn quận Bình Tân. Tài xế khi đến đây sẽ ngồi nghỉ, được cho trà đá, mì gói và wifi miễn phí. Tài xế còn được đi vệ sinh, tắm rửa mà không mất tiền.
Vào ngày cuối tuần, Nghiệp đoàn còn tổ chức sửa xe miễn phí, tài xế chỉ cần bỏ tiền mua phụ tùng. Không những vậy, đối với những tài xế có hoàn cảnh khó khăn, Nghiệp đoàn cũng sẵn sàng xem xét, hỗ trợ tiền cho tài xế, tùy vào hoàn cảnh và tính chất sự việc.
“Mục đích của mô hình này là để các tài xế có nơi nghỉ ngơi, cùng trò chuyện, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để công việc trở nên nhẹ nhàng hơn”, anh Lưu nói.
Theo khảo sát do Grab phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện, thu nhập bình quân (đã trừ phí, xăng,…) của tài xế mô tô đang ở mức 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; tài xế xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các tài xế toàn thời gian phải làm việc 8-13 tiếng/ngày; tài xế bán thời gian là 5-6 tiếng/ngày. Thời gian làm việc linh hoạt nhiều giờ trong ngày đã vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ luật Lao động năm 2019 (tối đa 12 tiếng/ngày).
Họ còn bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc. Tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao. Trung bình, tài xế, shipper chỉ nhận được khoảng 75% giá trị đơn hàng, nhưng trong đó, họ đã phải tự trả thêm 30% cho chi phí phương tiện, khấu hao,…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Sinh sống ở thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng anh Huỳnh Đức Hiếu (SN 1990) lại có máu đam mê với ngành nông nghiệp.
Tình cờ một lần xem trên mạng xã hội, thấy mô hình trồng rau khí canh ở tỉnh Lâm Đồng đem lại hiệu quả cao, có nhiều ưu điểm và phù hợp với nhu cầu của người dân hiện nay, anh đã theo học.
Sau 3 tháng học tập, anh Hiếu nắm vững kiến thức và nhận chuyển giao công nghệ từ một công ty ở tỉnh Lâm Đồng rồi về quê bắt đầu triển khai mô hình.
“Ý tưởng này cũng xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân. Hiện nay, nhiều người dân thích sử dụng rau sạch, nhưng không có diện tích đất để trồng, đặc biệt là khu vực thành phố. Nhận thấy, trồng rau khí canh có tính ưu việt và có thể đáp ứng nhu cầu của người dân nên tôi quyết định tìm hiểu và học mô hình này”, anh Hiếu chia sẻ.
Theo anh Hiếu, cách trồng rau khí canh khác với trồng rau theo phương pháp truyền thống. Trồng rau khí canh là công nghệ tuần hoàn và hoạt động theo cơ chế tự động hóa.
Đặc biệt, rau khí canh không trồng dưới đất mà sẽ được trồng trên các trụ nhựa. Mỗi trụ được thiết kế 48 hốc để trồng giá thể, tương ứng với 48 khóm hoặc cây rau.
Trước khi đưa rau lên trồng trên trụ nhựa, anh Hiếu sử dụng hỗn hợp hữu cơ để ươm giống.
Tùy từng loại rau, cây giống sau khi ươm từ 10 đến 15 ngày thì sẽ được đưa vào giá đỡ trên trụ nhựa để trồng.
Theo anh Hiếu, các trụ nhựa và ống chứa nước được kết nối theo hệ thống tuần hoàn.
“Nước được chứa sẵn trong các bồn lớn, sau đó sử dụng máy bơm dẫn nước vào ống nhựa để phun vào hố trồng rau. Việc tưới nước này khác với trồng rau thủy canh, nước bơm ra sẽ ở dạng phun sương trực tiếp vào rễ cây, mỗi lần phun sương từ 3 đến 6 phút. Nước sử dụng phun sương này là loại nước có chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trồng rau khí canh sẽ lấy ánh sáng hoàn toàn tự nhiên, không phải lắp đặt nhà màng”, anh Hiếu nói.
Cũng theo anh Hiếu, hiện anh tập trung vào việc nhận lắp đặt hệ thống trồng rau khí canh cho người dân quanh địa bàn thành phố Thanh Hóa. Chi phí lắp đặt 1,5-1,8 triệu đồng/trụ nhựa.
Chàng trai trẻ cho biết, với diện tích ở sân thượng, hiên nhà, người dân có thể lắp đặt khoảng 3-4 trụ rau là có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau sinh hoạt hàng ngày.
“Vì cây rau không tiếp xúc với các vi khuẩn, mầm mống gây bệnh từ mặt đất nên trồng rau theo phương pháp khí canh còn hạn chế tối đa sâu bệnh, an toàn và sạch đối với người sử dụng”, anh Hiếu nói.
Ngoài lắp đặt hệ thống trồng rau, hiện tại khu vườn của anh Hiếu có 60 trụ rau, mỗi trụ cho năng suất 7-10kg sản phẩm. Sản lượng rau của vườn có thể đạt khoảng 5 tạ rau mỗi tháng. Anh Hiếu cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng mô hình để phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cho biết, đây là lần đầu tiên trên địa bàn có mô hình trồng rau khí canh. Theo ông Hòa, mô hình trồng rau khí canh là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Năm 2017, Bùi Minh Thắng vay 700 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM. Ngay sau đó, anh còn đi cầm sổ đất, giấy tờ nhà để vay thêm, rồi dồn tiền vào mô hình trồng nấm.
Chẳng mấy chốc, mô hình được nhân rộng từ 700m2 lên 3.000m2, chuyên sản xuất phôi nấm. Mỗi ngày, nông trại của anh cung cấp ra thị trường 70.000-80.000 túi phôi/tháng, với giá 5.000 đồng/túi phôi.
Giờ đây, nông trại nấm có thể kiếm được doanh thu ít nhất 300 triệu đồng/tháng. Đó là quả ngọt sau 13 năm theo đuổi đam mê khởi nghiệp của Thắng, khiến nhiều người khâm phục.
Ngỡ như trắng tay
Tốt nghiệp THPT năm 2009, Bùi Minh Thắng (31 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) được bố mẹ cho đi học tiếng Nhật để chuẩn bị đi du học. Tuy nhiên, sau 2 năm học tiếng, Thắng nhận ra nhu cầu thật sự của bản thân không phải ra nước ngoài học tập, mà là nghiên cứu trồng nông sản Việt, đặc biệt là nấm.
Gia đình vốn làm nông, bố mẹ thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề nên ra sức khuyên ngăn anh. Tuy nhiên, vì quá khao khát được phát triển mô hình làm nông hiện đại, một phần cũng vì muốn ở gần gia đình, Thắng đã thuyết phục và nhận được cái gật đầu miễn cưỡng của bố mẹ.
Sau một năm vừa học vừa nghiên cứu, chàng trai bắt đầu những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình với mô hình trồng nắm. Không có vốn, đất đai, anh Thắng bán vườn lan mình tự trồng, lấy 25 triệu đồng để mua phôi nấm, nguyên vật liệu thô sơ.
Thời điểm đó, vì không thể đầu tư máy móc nên mọi thứ còn đơn giản, thậm chí anh chỉ trồng nấm trong những chiếc thùng phuy sắt để tiết kiệm chi phí.
Không lâu sau, những khó khăn ập đến dù chàng trai đã tính toán vô cùng kỹ lưỡng.
“Mẻ nấm 100.000 phôi sau một thời gian chăm sóc đã không phát triển. Mất trắng ngay từ lần đầu khởi nghiệp, tôi cảm thấy rất hụt hẫng”, chàng trai bộc bạch.
Tiếp đó, việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất dù cho ra sản phẩm chất lượng hơn, nhưng doanh thu lại không đủ để Thắng chi trả các khoản phí khác. Ngày qua ngày, Thắng rơi vào cảnh nợ nần, đặt chân đến “bờ vực” thất bại.
“Bệnh liều” khó… chữa
Hằng ngày, chàng trai tự nhốt mình trong phòng để suy nghĩ cách làm giàu và phân tích nguyên nhân của việc trồng nấm thất bại. Có những đêm, vì quá chán nản, Thắng khóc như một đứa trẻ. Ở thời khắc tưởng chừng như từ bỏ, Thắng bất ngờ được gia đình an ủi và động viên.
“Tôi như chợt tỉnh ra, ngẫm rằng mình phải cố gắng hơn để không từ bỏ ước mơ, sự kỳ vọng từ gia đình. Từ những bước đi ngô nghê, thất bại lúc đầu, tôi biến đó làm bài học để bước tiếp. Vấp ngã sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn!”, chàng trai trải lòng.
Biết mình mắc “bệnh liều” khó chữa, anh Thắng loay hoay tìm cách khôi phục sản xuất ở nông trại nhỏ.
Nhờ nỗ lực, may mắn cũng đến với anh Thắng. Khách hàng, sản lượng nấm ngày càng tăng. Anh còn được tạo điều kiện vay vốn để phát triển mô hình, tăng diện tích từ 700m2 lên 2.000m2.
“Nấm từ nông trại dần có mặt tại các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM. Doanh thu từ việc bán nấm và phôi nấm, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng nông trại lên 3.000m2”, anh Thắng chia sẻ.
Khác với kiểu trồng truyền thống, chàng trai còn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị như máy phun sương, lò hơi, áp suất, hấp phôi, nuôi cấy meo giống… để cải tiến quy trình trồng.
Sau hơn 13 năm theo đuổi khởi nghiệp, ngoài doanh thu “khủng”, anh Thắng đã tạo cơ hội việc làm cho người dân lao động địa phương.
Để lan tỏa niềm đam mê nông sản Việt, ông chủ trẻ còn “mở cửa” để đón nhiều học sinh, sinh viên đến tham quan, học hỏi quy trình làm nấm. Đồng thời, anh còn tham gia vào công tác hướng dẫn người dân theo đuổi mô hình phát triển nông sản do địa phương tổ chức.
Trước đó, năm 2018, chàng trai đã liên kết với trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM để nghiên cứu, mang những mẻ phôi nấm đầu tiên có mặt trên hải đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).
“Đối với tôi, sự thành công ở bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ đến với người kiên trì, cố gắng và ham học hỏi, có sự chuẩn bị”, chàng trai 9X cho hay.
Sắp tới, anh Thắng dự định sẽ mở thêm nông trại rộng 1ha tại tỉnh Đắk Nông để phát triển mô hình sản xuất, tăng sản lượng phôi nấm cung cấp cho thị trường.
Anh Bùi Minh Thắng hiện là phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Hòa Phú (huyện Củ Chi). Trước đó, anh được trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng như Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM,…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ
☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng
☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi
☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc
☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng
☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại
☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng
☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn
Điền Email của bạn để nhận tin Việc Làm mới nhất