Năm 2012, anh Lê Văn Thuận bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội về quê xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa thầu lại hơn 3 sào ruộng chiêm trũng để làm kinh tế trang trại.
“Nghề du lịch vốn thu nhập khá nhưng đi lại nhiều, nên tôi quyết định về quê. Nhận thấy ở quê xưa nay vốn nổi tiếng là vùng đất có truyền thống về chăn nuôi, vì vậy tôi đã quyết định đầu tư làm trang trại nuôi cá, gà, lợn”, anh Thuận nói.
Sau khi thầu lại cánh đồng chiêm trũng, anh Thuận dốc toàn bộ số vốn gần 500 triệu đồng, rồi đào ao, thả cá và xây dựng chuồng trại để nuôi lợn, bò. Thế nhưng, sau vài năm chăn nuôi, lợi nhuận từ trang trại không đáng kể.
Đến năm 2018, tại địa phương rộ lên mô hình nuôi ba ba và rùa câm. Nhận thấy ba ba là loại dễ nuôi, địa hình ở trang trại của gia đình lại có nhiều điều kiện thuận lợi, nên anh Thuận mạnh dạn đầu tư hơn 50 con giống nuôi thử nghiệm.
“Ở quê tôi có nhiều cánh đồng chiêm trũng, nguồn thức ăn như: ốc, cá cho ba ba rất dồi dào. Không tốn quá nhiều chi phí thức ăn, mà giá thành ba ba bán ra thị trường lại cao, nên tôi đầu tư thử nghiệm”, anh Thuận nhớ lại.
Đến nay, tại trang trại của anh Thuận luôn duy trì nuôi khoảng 500 con ba ba. Ngoài ra, anh còn làm 3 ao nuôi cá, gần 30 con lợn thịt và 3 con bò. Anh Thuận cho biết, trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu về 300-400 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chủ yếu từ ba ba.
Theo anh Thuận, ba ba sau khi nuôi khoảng hơn 3 năm có thể xuất bán, với trọng lượng mỗi con 3-4kg. Thông thường, mỗi đợt thu hoạch, anh Thuận xuất bán gần 4 tạ, với giá bán 450.000-500.000 đồng/kg, anh thu về gần 200 triệu đồng.
Cũng theo ông chủ trang trại, ba ba dễ nuôi nhưng thường mắc các bệnh nấm da. Vì vậy, hàng ngày anh theo dõi để nắm rõ bệnh lý, kịp thời chữa trị cho đàn ba ba.
Ông Quản Văn Hải, Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp, cho biết mô hình nuôi ba ba của gia đình anh Thuận là một trong những mô hình thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
Theo ông Hải, không chỉ hộ gia đình anh Thuận, những năm qua, nghề nuôi ba ba ở địa phương đang là nghề “hot”, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Hiện nay toàn xã Thiệu Hợp có khoảng 70 hộ nuôi ba ba.
Cũng theo ông Hải, nhiều năm qua, khi nhắc đến ba ba, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường nhắc đến xã Thiệu Hợp.
“Về chất lượng, ba ba ở xã Thiệu Hợp khác hẳn với các địa phương khác. Bởi, người nuôi ba ba ở địa phương chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn sẵn có như cá, ốc.
Ngoài ra, do nuôi theo phương pháp tự nhiên, nên sau 2-3 năm, mỗi con ba ba chỉ có trọng lượng 3-4kg, thịt thơm và ngon hơn so với nuôi bột. Thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng hơn nữa một số con nuôi đặc sản như: cầy hương, dúi má đào…”, ông Hải cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm