Những gì nhà tuyển dụng ở một công ty truyền thống đang tìm kiếm sẽ ít nhiều khác biệt với những điều mà một công ty khởi nghiệp đang muốn có. Bởi văn hóa và mục tiêu của hai dạng công ty này khác nhau. Do đó, nếu đang tìm kiếm công việc tại một công ty khởi nghiệp, bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu có thể điều chỉnh CV của mình phù hợp với tiêu chuẩn lựa chọn nhân viên của họ.
Vậy, cụ thể CV của bạn nên bao gồm những gì để được tuyển dụng? Hãy cùng tham khảo sau đây nhé.
Kinh nghiệm làm việc với các công ty lớn
Các công ty khởi nghiệp rất quan tâm đến thương hiệu vì thương hiệu của họ vẫn còn non trẻ. Vì vậy, nếu bạn đã từng hợp tác với các công ty có tên tuổi, họ có thể tự hào giới thiệu: “Nhân viên X của chúng tôi đã có thời gian làm việc với các kỹ sư ở công ty Y” và tận dụng hiệu ứng lan tỏa từ nhà tuyển dụng trước đây của bạn để tạo sự chú ý. Vì vậy, nếu bạn có bất cứ trải nghiệm nào với các thương hiệu lớn, hãy chắc chắn nó được làm nổi bật trong CV, bởi nó có thể giúp bạn được mời phỏng vấn, thậm chí có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn là một người không có trải nghiệm này.
Các thành tựu đạt được
Cũng giống như các công ty lớn, các startup lo ngại rằng bạn chỉ đang hưởng lợi từ thành quả của người khác, chứ không thực sự xắn tay áo vào thực hiện và hoàn thành bất cứ điều gì. Vì vậy, họ sẽ chú ý tìm kiếm để xem bạn đã hoàn thành công việc và tạo ra tác động tích cực ra sao thông qua các số liệu cụ thể. Nếu bạn không có con số chính xác, hãy giải thích cách bạn tạo ra sự khác biệt bằng cách sử dụng các động từ như tăng, giảm, tạo ra hay cải thiện hoặc đưa ra các ví dụ về cách bạn giải quyết vấn đề hoặc phát triển các giải pháp sáng tạo.
Một cách tốt hơn để chứng minh tác động của bạn là có một portfolio (hồ sơ năng lực) có thể truy cập công khai và đính kèm đường dẫn vào CV. Cho dù đó là các thông tin được đăng trên các mạng xã hội hay trên trang web riêng, các startup đều muốn có những bằng chứng hữu hình để đánh giá khả năng của bạn.
Chức danh công việc giống nhau
Các nhà tuyển dụng startup đều muốn tuyển các ứng viên có thể “lao” ngay vào công việc, vậy nên bạn cần cho thấy mình đã thực hiện công việc cụ thể này trước đây. Và cách chắc chắn nhất để chứng minh điều đó là liệt kê chức danh công việc giống như vị trí mà họ đang tuyển. Chẳng hạn, nếu startup đang tìm một Chuyên viên pháp chế dự án và CV của bạn có chức danh này, bạn sẽ trở thành một ứng viên đầy tiềm năng.
Tinh thần kinh doanh
Các công ty khởi nghiệp được sinh ra từ các doanh nhân nên họ thích tuyển dụng những người có cùng chí hướng và có thể đưa ra những ý tưởng mới để đưa doanh nghiệp tiến lên. Tinh thần kinh doanh có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức từ việc điều hành một doanh nghiệp nhỏ, làm việc tự do hoặc thậm chí là nghĩ ra và thực hiện các sáng kiến mới cho công ty trước đây của bạn.
Cá tính riêng
Hầu hết các công ty khởi nghiệp đều muốn tạo ra nơi làm việc vui vẻ và đầy thú vị. Do đó, khi viết CV, hãy cố gắng đưa ra một số tính cách riêng của bạn nhằm cho thấy bạn không chỉ là một nhân viên có giá trị mà còn là một thành viên được nhiều người yêu thích. Nói cụ thể hơn về sở thích và mối quan tâm của bạn để thể hiện rằng bạn có đam mê ngoài công việc và có thể áp dụng tài năng của bạn trong các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng nên đưa vào CV các hoạt động cộng đồng như tình nguyện hoặc gây quỹ để cho thấy bạn có tinh thần sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Dễ dàng thích nghi với sự thay đổi
Một đặc điểm nổi bật của startup chính là sự khó đoán – bạn sẽ không bao giờ biết một thỏa thuận, hợp đồng mới sẽ thay đổi toàn bộ công ty ra sao. Thế nên, điều quan trọng mà startup tìm kiếm là ứng viên có thể làm được nhiều việc khác ngoài công việc chính, nếu hoàn cảnh yêu cầu.
Vì vậy, hãy liệt kê những lần bạn đã làm các công việc khác nhau để giúp đội nhóm hoàn thành dự án đúng hạn hoặc tự tạo ra những thay đổi lớn cho bản thân. Tất cả những điều này sẽ nói lên khả năng thích nghi với sự không ổn định và tăng cơ hội để bạn được chọn vào startup.
Pha Lê
Cẩm Nang Việc Làm