Ước mơ ở tuổi xế chiều
17h, dưới cơn mưa nặng hạt, một cụ bà ngồi co ro dưới chiếc ô nhỏ tại góc đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM), bàn tay cố bảo vệ hàng bánh không bị ướt, khiến nhiều người thương cảm.
Không ít người tò mò, tấp vào hỏi: “Mưa lớn, sao nội không nghỉ bán một hôm?”. Nghe vậy, bà nhanh nhảu đáp: “Mưa thì mình che ô rồi bán tiếp, nghỉ bán thì nội không có… “lúa” ăn”.
Cụ bà tần tảo ấy là bà Tư (88 tuổi, quê tại tỉnh Bến Tre). Nhiều thực khách xem bà như người thân trong nhà nên thường gọi với tên thân thương là “nội Tư”. Dù nắng gắt, mưa to, bà Tư vẫn miệt mài cùng với quầy bánh, chỉ tạm nghỉ khi nào bệnh nặng. Bà lẩm bẩm nói: “Món bánh này đã theo tôi hơn 50 năm qua”.
“Các con nghèo nên tôi phải ráng làm để không trở thành gánh nặng. Lắm lúc, tôi tủi thân vì già cả mà vẫn phải mưu sinh. Nhưng tôi đành tự an ủi bản thân, trời cho số phận mình như vậy là tốt rồi, có chỗ ngồi bán, có đồng lời. Vì thế, nỗi buồn cũng vơi đi phần nào”, bà nói.
Cụ bà bộc bạch cứ 7h mỗi ngày, bà đều cùng 2 người cháu gái dậy sớm để chuẩn bị từng thau bột, nướng mẻ bánh,…
Đúng 17h, bà Tư sẽ tự mình đón xe ôm, di chuyển từ nhà đến điểm bán. Cụ bà cứ ngồi ở lề đường cùng hàng bánh, khi nào bán hết thì dọn hàng. Có những hôm, bà Tư ngồi đến nửa đêm mới về đến nhà.
Tại đây, bà Tư phục vụ nhiều loại bánh khác nhau như bánh bò nướng, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, bánh chuối nướng,… Mỗi miếng bánh giá 10.000 đồng. Ngoài bán trực tiếp, bà còn nhận làm bánh ú, bánh ít, giao cho những ngôi chùa trên địa bàn thành phố.
“Mỗi ngày tôi lãi được lãi được vài trăm nghìn đồng, chia một nửa cho các cháu mua đồ ăn uống hằng ngày. Khoảng còn lại, tôi giữ riêng cho mình để dành dụm cho tuổi xế chiều. Với cái tuổi này, “trời kêu ai nấy dạ” nên lỡ có yếu đi thì tôi vẫn có tiền tự lo cho mình”, cụ bà trải lòng.
Trân quý đồng tiền tự làm ra
Bà Tư sinh ra và lớn lên tại Bến Tre, hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn nên từ lúc nhỏ, bà phải mò tôm, bắt cá để sống qua ngày. Lớn lên, bà lập gia đình, sinh con, nhưng cuộc sống cũng không mấy khá giả.
Năm 26 tuổi, gia đình bà Tư lặn lội từ Bến Tre lên TPHCM lập nghiệp. Chồng làm công việc tự do, ai kêu gì làm nấy, còn bà bán các loại bánh quê hương để kiếm tiền bươn chải. Số tiền kiếm được không nhiều, hai vợ chồng phải gói ghém từng chút một để lo cho các con.
Thời gian đầu buôn bán, bà Tư rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đi đến nỗi thuộc hết những con đường mà mình đã đi qua. Khi đôi chân đã mỏi mệt cũng là lúc bà tìm được chỗ bán ưng ý ở góc đường Trần Hưng Đạo.
“Có hôm tôi dầm mưa đến đêm mà vẫn chưa bán hết. Nhiều người đi qua thấy thương, họ liền mua ủng hộ để tôi được về sớm. Những lúc như vậy tôi thấy được an ủi nhiều lắm”, cụ bà cười hiền, để lộ nếp nhăn chi chít nơi khóe mắt.
Cách đây không lâu, chồng bà qua đời do bệnh nặng. Bà Tư giờ đây sống cùng với 2 cháu nội. Dù các con thường xuyên ngỏ lời đón về sống chung, cụ bà vẫn một mực từ chối. Sống cô đơn trong căn nhà, lắm lúc, bà Tư không tránh khỏi sự tủi thân. Thế nhưng, so với việc là gánh nặng cho con cháu, cụ bà chọn chấp nhận cuộc sống vất vả hơn.
“Các con không khá giả nên tôi ở một mình cho khỏe, tự kiếm tiền rồi lo cho bản thân. Đồng tiền mình tự kiếm lúc nào cũng đáng quý. Tôi cố gắng mưu sinh đến khi nào không còn sức thì thôi”, bà Tư trải lòng.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm