Uất ức nhưng không dám nói
“Mặc dù được điều động chạy đi khắp thành phố giao hồ sơ cho khách, quãng đường cả trăm km nhưng sếp chỉ trả cho tôi 25.000 đồng tiền cà phê, còn lại các khoản ăn trưa, xăng xe thì ông mặc nhiên tôi phải chịu”, Thanh Ngân (25 tuổi, nhân viên xử lí hồ sơ du học ở TPHCM) bực tức nói.
Từ đầu năm đến nay, do biến động kinh tế nên lượng khách hàng giảm, Ngân phải chấp nhận giảm thu nhập gần một nửa. Nhưng điều Ngân không thể ngờ là càng về cuối năm, lãnh đạo lại càng giao cho cô nhiều công việc nặng nhọc khác, những công việc không có trong hợp đồng.
Ban đầu, Ngân chỉ làm việc vào khung giờ hành chính từ 7h30 đến 17h30. Từ tháng 10 đến nay, sếp luôn lấy lý do phải đảm bảo số lượng hồ sơ nên yêu cầu Ngân thường xuyên tăng ca xuyên đêm và cuối tuần, dù không nhận thêm bất kỳ mức hỗ trợ nào.
“Sáng hôm sau mọi người đều mệt mỏi vì phải thức đêm nhưng chỉ có thể vào nhà vệ sinh tắm rửa rồi quay lại làm việc vào đúng 7h30. Mặc dù mệt mỏi, không ai dám xin nghỉ bù”, Ngân nói.
Đỉnh điểm là khi một người đồng nghiệp của cô nghỉ việc, sếp đã bàn giao lại cho Ngân toàn bộ hồ sơ đang dang dở. Nhận thấy thời gian không cho phép, cô gái trẻ đã xin phép từ chối. Thế nhưng đầu tháng 11, lãnh đạo vẫn đưa ra thông báo trước toàn cơ quan rằng, cô đã được tăng lương 1 triệu đồng và phải đảm bảo toàn bộ công việc đó từ nay tới cuối năm.
Tương tự, Khánh Ly (25 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung tại TPHCM) cũng đã stress, rụng tóc khi liên tục phải làm việc đến 1h, 2h sáng mà vẫn bị nhắc nhở chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, vào giữa năm 2023, công ty của Ly xảy ra sự thay đổi lớn về mặt nhân sự cấp cao. Dưới sức ép của sếp mới, nhân sự cũ như Ly phải làm gấp 2-3 lần khối lượng công việc cũ. Nếu không đạt hiệu quả về mặt con số, cô gái trẻ ngay lập tức bị bêu tên trong các cuộc họp.
“Quan trọng hơn là mọi sự cống hiến của tôi đều không được ghi nhận. Sếp luôn đổ lỗi tại tư duy của tôi cũ, không có sự cố gắng mặc dù mọi đề án của tôi trước khi thực hiện đều thông qua cấp quản lí và sếp”, Ly nói.
Nhận thưởng Tết xong rồi… tính tiếp
Trước sức ép từ công ty, Thanh Ngân không dưới 10 lần muốn nộp đơn xin nghỉ việc. Thế nhưng, cô e ngại vì thị trường lao động đang khó khăn và sợ mất số tiền thưởng Tết nên tiếp tục chọn ở lại.
Khánh Ly cũng nhận định việc “nhảy” sang chỗ làm mới lúc này chưa chắc sự lựa chọn tốt. Nhiều khả năng, sau Tết cô sẽ có những dự tính mới cho công việc của mình.
“Tính chất công việc của tôi đòi hỏi phải có thời gian thích nghi, cấp bậc tăng rất lâu, đặc biệt mức thưởng Tết không phải là nhỏ nên nó vẫn là điều khiến tôi và đồng nghiệp băn khoăn, không muốn đổi chỗ làm lúc này, dù gặp nhiều trục trặc”, Ly nói.
PSG.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội – SocialLife) chia sẻ, thời điểm sau tết Nguyên đán các năm trước, thị trường lao động luôn có nhiều biến đổi. Thế nhưng, với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại thì mọi thứ đã trở nên dè dặt hơn.
Hiện nay, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang lựa chọn mô hình số hóa, tối ưu hóa nhân lực nên đòi hỏi lao động phải đa nhiệm. Các doanh nghiệp lớn với quy định kinh doanh có trách nhiệm (theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam) cũng đã giảm bớt nhân sự, tinh gọn hệ thống.
“Điều này mở ra khuynh hướng out source (giảm thiểu chi phí) bằng cách làm việc từ xa, thuê nhân viên ăn theo sản phẩm. Đây là một phép lựa chọn tự nhiên mà những người không chịu được áp lực sẽ bị loại bỏ hoặc chuyển dần sang hướng nhận lương dựa sản phẩm”, PSG.TS Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm.
Theo nghiên cứu về thị trường lao động của trang Việc Làm 24h, năm 2022 có 75% nhân viên văn phòng muốn đổi việc trong giai đoạn sau tết Nguyên đán và 6 tháng đầu năm 2023.
Thế nhưng, vừa qua, dữ liệu của Navigos Group – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự – cho thấy, thị trường lao động trong năm 2023 gặp khó khăn khiến càng về cuối năm, người lao động muốn nhảy việc phải đắn đo hơn trước rất nhiều lần.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply