Tình trạng thiếu hụt lao động là thông tin được ông Phan Quang Bá, Giám đốc Nông trường Cẩm Đường (thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai) cho biết tại Hội thảo “Lao động dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai – thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức vào ngày 26.12.
Báo cáo tham luận của Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết, đơn vị này hiện quản lý hơn 32.000 ha đất, nhiều năm trở lại đây thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động cạo mủ cao su. Có thời điểm nhiều nông trường chỉ có 60% tổng số lao động cần có.
Theo ông Bá, để giải quyết bài toán trên Tổng công ty cao su Đồng Nai đã đưa ra phương án kêu gọi lao động từ các địa phương khác về làm việc. “Mới đầu, chúng tôi về Đồng Tháp, Long An, các huyện biên giới của Tây Ninh, lên Đắk Lắk đưa bà con đồng bào thiểu số về thu hoạch. Tuy nhiên, những người này không phù hợp với công nhân cạo mủ nên chỉ được một thời gian là họ bỏ việc”, ông Bá kể.
Sau đó tổng công ty đã chuyển hướng sang các tỉnh miền núi phía bắc, chủ yếu là tỉnh Hà Giang và Lào Cai để kêu gọi bà con đồng bào Mông, Nùng, Dao vào Đồng Nai cạo mủ. Tổng công ty đã đến tận nơi, phối hợp chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con rồi đưa xe ra đón vào tận nơi, lo chỗ ở ổn định.
Ông Bá cho hay công việc này đã thực hiện được 5 năm rồi. Hiện tại người đồng bào dân tộc thiểu số đang có mặt tại tất cả các nông trường của Tổng công ty cao su Đồng Nai. Tổng số lao động của tổng công ty có 3.997 người thì có đến 731 là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía bắc (chiếm 30% số lao động cạo mủ).
Trong khi đó, theo Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, trong tổng số gần 1 triệu lao động trên địa bàn thì hiện có 29.283 người là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên, Nam Trung bộ, các địa phương phía bắc di cư vào Đồng Nai. Số lao động này chủ yếu làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, nông trường cao su.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply