Theo Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn luật Việc làm, có hiệu lực từ ngày 15.2, Bộ LĐ-TB-XH bổ sung thêm một số quy định liên quan hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, thông tư hướng dẫn người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động đề nghị sở LĐ-TB-XH hoặc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy trình tại khoản 6 điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, thông tư mới cũng bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày.
Tuy nhiên, với trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.
Bổ sung trường hợp được bảo lưu và không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Thông tư cũng bổ sung thêm 1 trường hợp được tính bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, đó là trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.
Số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc một trong 3 trường hợp: không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Không còn trường hợp người lao động được miễn thông báo về tình hình tìm kiếm việc làm hàng tháng
Đáng chú ý, thông tư bỏ quy định về các trường hợp không cần thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng. Từ ngày 15.2, không còn trường hợp người lao động được miễn thông báo về tình hình tìm kiếm việc làm hàng tháng. Thay vào đó, các trường hợp này được bổ sung vào nhóm các trường hợp không phải trực tiếp thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Theo đó, người lao động tuy không phải trực tiếp thông báo tình hình tìm kiếm việc làm nhưng phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax…) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của hạn thông báo; đồng thời, gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp không phải thông báo trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm.
Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một địa phương mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply