Hầu hết các ứng viên tìm việc đều mong muốn tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng để nhận được việc làm yêu thích. Tuy nhiên, có những biểu hiện không phù hợp – đôi khi bạn không nhận ra – có thể khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp và ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm việc làm. Hãy chắc chắn rằng bạn tránh mắc phải 7 điều sau đây nhé!
Chọn ảnh không phù hợp
Nếu chọn đính kèm hình ảnh vào CV hoặc cung cấp đường dẫn đến tài khoản mạng xã hội cá nhân của bạn cho nhà tuyển dụng, hãy chọn hình ảnh cho thấy khuôn mặt của bạn rõ ràng, không bao gồm bất kỳ người nào khác và bạn đang mỉm cười hoặc trong trạng thái tươi tỉnh, đầy năng lượng.
Chia sẻ quá nhiều thông tin
Có một số điều mà người phỏng vấn của bạn không cần biết, như đường đến công ty quá xa và bạn phải vượt qua tình trạng kẹt xe như thế nào, hoặc những vấn đề cá nhân đã làm giảm doanh số bán hàng của bạn trong tháng trước… Mọi người thường có xu hướng chia sẻ tất cả mọi điều họ không lên kế hoạch khi trở nên căng thẳng trong cuộc phỏng vấn hoặc cảm thấy quá thoải mái. Hãy giữ bình tĩnh và chia sẻ những điều trọng tâm, cần thiết.
Không thể hiện bạn thực sự là ai
Nếu việc khao khát trở nên chuyên nghiệp khiến bạn trở nên cứng nhắc và dè dặt đến nỗi người phỏng vấn không thể cảm nhận rằng bạn là người như thế nào trong công việc hàng ngày thì đó là một điều tiêu cực. Bạn cần để cho một số tính cách của mình được thể hiện. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đừng chia sẻ những điều không liên quan đến công việc. Hãy thể hiện sự cởi mở bằng cách đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng. Một câu chuyện vui trong ngành nghề cũng khiến cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị, đáng nhớ hơn nhiều so với việc bạn giả vờ là người chuyên nghiệp.
Cố gắng che giấu khi bạn không biết
Nếu được hỏi một câu hỏi mà bạn không biết câu trả lời, điều tệ nhất bạn có thể làm là cố gắng vượt qua nó. Người phỏng vấn của bạn có khả năng “đọc” được biểu hiện của bạn và điều này sẽ khiến bạn trông thiếu thành thật hơn là trả lời trước rằng bạn không biết câu trả lời. Thoải mái thừa nhận khi bạn không biết là một dấu hiệu của sự trưởng thành và chuyên nghiệp. Việc cung cấp thông tin không chính xác chỉ để che đậy sự thiếu hiểu biết có thể hết sức nguy hiểm nếu bạn làm điều đó sau khi được tuyển dụng.
Hay ngắt lời
Bất cứ người phỏng vấn nào cũng cho rằng “bạn” trong cuộc phỏng vấn là phiên bản tốt, lịch sự nhất của bạn. Vì vậy, nếu bạn ngắt lời hoặc tranh cãi với người phỏng vấn, họ sẽ cho rằng bạn là kiểu nhân viên nghĩ rằng bản thân hiểu biết hơn đồng nghiệp, luôn muốn giành phần thắng trong các cuộc trò chuyện và nói chung là thiếu tế nhị, khéo léo.
Nói xấu về người quản lý cũ
Nhà tuyển dụng biết rằng có những nhà quản lý kém luôn tồn tại ngoài kia và rất có thể bạn đã làm việc cho người thực sự “khủng khiếp”. Nhưng tốt nhất là bạn nên có sự thận trọng trong cuộc phỏng vấn, điều này có nghĩa là không nói xấu người quản lý cũ. Thêm vào đó, vấn đề nào cũng có hai mặt và chắc rằng bạn cũng không muốn người phỏng vấn tự hỏi liệu rằng người quản lý cũ có thực sự tệ như bạn nói hay bạn gặp khó khăn để hòa hợp.
Đặt ra những câu hỏi khó cho nhà tuyển dụng
Có thể bạn đã đọc được rằng nên kết thúc cuộc phỏng vấn của mình bằng những câu hỏi cho nhà tuyển dụng nhưng đó không phải là “Anh/chị có nghĩ rằng tôi rất phù hợp với công việc không?” Những câu hỏi dạng này sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu bởi cảm giác bị ép buộc đưa ra một lời giải thích chi tiết về cách mà bạn yếu hơn các ứng viên khác. Cách làm này thể hiện bạn muốn họ trở nên lúng túng, khó xử hơn là để lại ấn tượng tốt đẹp sau cùng trong buổi phỏng vấn.
Huỳnh Trâm
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply