Bất kể bạn làm nghề gì thì bắt đầu một công việc tại một môi trường mới có thể là một thử thách “đáng sợ”. Bạn không quen biết ai, bạn cũng không biết gì về các đồng nghiệp năng động của mình và thậm chí vai trò công việc cũng sẽ là một bí ẩn đối với bạn trong giai đoạn mới bắt đầu. Sự lo âu, căng thẳng là đương nhiên và điều này không chỉ xảy ra với bạn mà với hầu hết những người đi làm. Để giảm bớt lo lắng, dưới đây là một số gợi ý bạn có thể áp dụng.
Nhắc nhở bản thân về các nhiệm vụ sẽ thực hiện
Khi bị “cuốn” vào căng thẳng của ngày đầu ở công việc mới, bạn có thể quên mất lí do vì sao bạn ở đó. Vì vậy, hãy dành thời gian để xem qua bản mô tả công việc cho vai trò mới và nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể hiểu rõ hướng đi và tự tin bắt tay vào công việc. Ngoài ra, hãy suy nghĩ về điều gì khiến bạn nhận công việc này và những gì giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn khó nhằn. Nếu bạn có cảm giác bất an, hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng chọn bạn thì họ có lí do của họ. Họ rõ ràng có niềm tin vào khả năng của bạn và tin rằng bạn sẽ phù hợp với vị trí, vì vậy bạn cũng nên tin vào điều đó.
Đừng mong rằng bạn sẽ biết mọi thứ
Thể hiện năng lực nhằm tạo ấn tượng tốt trong ngày đầu nhận việc là điều cần thiết nhưng đừng cảm thấy bạn phải xuất sắc mọi thứ ngay lập tức. Bạn đã vượt qua vòng kiểm tra gắt gao và nhận được công việc. Tất cả những gì cần làm bây giờ là giữ sự tự tin, tránh kiêu ngạo và quan trọng nhất là cho thấy tinh thần sẵn sàng học hỏi. Người giám sát của bạn rất mong muốn bạn tìm hiểu về mọi thứ cần thiết trong giai đoạn này, vậy nên đừng ngại đặt câu hỏi và đừng quá hoảng sợ nếu bạn mắc lỗi. Các lỗi nhỏ là yếu tố cần có trong quá trình học tập, chỉ cần bạn chắc chắc chịu trách nhiệm cho hành động của mình, thừa nhận khi làm sai và cố gắng tìm giải pháp hơn là che giấu. Các lỗi lầm có thể dễ dàng sửa chữa hơn bạn nghĩ và cố gắng che đậy không phải là một hành động khôn ngoan hay chuyên nghiệp.
Mọi điều mới sẽ trở nên quen thuộc
Những điều mới thật “đáng sợ” và cảm thấy lo lắng khi bắt đầu một công việc mới là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng mọi thứ rồi sẽ qua đi. Nếu nỗi sợ của bạn dâng cao, hãy nhớ rằng những điều mới rồi sẽ trở thành những thứ quen thuộc theo thời gian. Qua tiếp xúc, bạn sẽ biết nhiều hơn về công việc, về đồng nghiệp của mình. Hãy tự trấn an bản thân rằng bạn đã vượt qua hàng trăm ứng viên khác và “chiến thắng” trong cuộc cạnh tranh việc làm – được coi là đáng sợ hơn. Nếu đã vượt qua điều đó thì bạn hoàn toàn có thể vượt qua một chút căng thẳng trong thời gian đầu nhận việc. Hãy chuyển sự lo lắng trở thành phấn khích. Nghĩ về điều tích cực này sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và thoải mái hơn trong vai trò mới.
Tìm một đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy thoải mái
Đừng chờ các đồng nghiệp mới tiếp cận bạn trước, hãy chủ động tìm một “gương mặt thân thiện” – người mà bạn có thể nói chuyện cùng hoặc trao đổi. Không quan trọng họ là ai, chỉ cần là người mà bạn cảm thấy thoải mái. Khi có họ làm “nơi nương tựa” bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng hơn trong những ngày đầu.
Ghi chú lại tất cả thông tin
Có thể bạn sẽ tiếp nhận rất nhiều thông tin trong ngày đầu tiên ở vị trí mới và bạn không thể nào ghi nhớ hết tất cả. Hãy chuẩn bị một cuốn sổ để ghi chép những thứ quan trọng mà bạn nghe thấy, cho dù là hướng dẫn chung, thông tin đăng nhập, mật khẩu, danh sách các việc cần làm, tên của đồng nghiệp và phần công việc của họ… Viết vào sổ về những gì cần làm và cần nhớ sẽ giúp bạn đi đúng hướng trong bước đầu làm quen với công việc và giúp tâm trí của bạn thoát khỏi cảm giác căng thẳng.
Lo lắng khi bắt đầu công việc mới là điều dễ hiểu, nhưng không nên để cảm giác này “chế ngự” bạn. Hãy dành thời gian để chuẩn bị trước, đặt câu hỏi về những điều chưa biết, mỉm cười và tận hưởng ngày đầu tiên ở nơi làm việc mới của mình nhé!
Huỳnh Trâm
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply