Được mời đến buổi phỏng vấn là cơ hội để bạn thuyết phục hoàn toàn nhà tuyển dụng và nhận được công việc mình mong muốn. Tuy nhiên, trước khi chạm tay vào mơ ước, bạn sẽ phải trải qua những thử thách không hề dễ dàng. Đó có thể là những câu hỏi “khó nhằn” mà nhà tuyển dụng sẽ đặt ra cho bạn sau đây.
Lý do bạn rời bỏ công việc trước đây là gì?
Đây là câu hỏi thường gặp trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, nhưng lại là câu hỏi khó, thậm chí không cẩn thận ứng viên sẽ làm tuột mất cơ hội.
Nếu bạn trả lời rằng không thể “chịu đựng” được sếp, nhà tuyển dụng có thể cho rằng mọi vấn đề đều có hai mặt và bạn đang nói xấu về sếp cũ của mình. Nếu bạn nói rằng do mức lương quá thấp, họ sẽ nghĩ bạn ở đó chỉ vì tiền và không thực sự đam mê công việc. Hoặc nếu bạn nói rằng bạn bị buộc phải làm những việc ngoài mô tả, nhà tuyển dụng có thể hiểu bạn không sẵn sàng giúp đỡ và thiếu tinh thần đồng đội.
Mặc dù đó có thể là lí do khiến bạn rời đi nhưng nên tránh trình bày tiêu cực về công việc cũ và những người đã làm việc cùng. Thay vào đó, hãy nói về những gì bạn đã đạt được trong công việc cũ và mong muốn được phát triển hơn trong tương lai đồng thời đề cập đến trải nghiệm thú vị mà vị trí mới sẽ mang đến cho bạn. Tóm lại, không cần nói về nơi bạn đã từng đến mà chỉ nên tập trung vào nơi bạn muốn đến.
Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
Câu hỏi này cũng tương tự như “Điều gì khiến bạn đặc biệt hơn các ứng viên khác?” hay “Tại sao chúng tôi cần bạn?”. Làm sao để trả lời? Thông qua việc tìm hiểu công ty trước đó và thậm chí qua trao đổi trong buổi phỏng vấn hiện tại, bạn cần nắm bắt được vấn đề khó khăn mà công ty đang gặp phải là gì. Câu trả lời của bạn nên tập trung vào cách bạn có đủ điều kiện duy nhất để giúp họ giải quyết những vấn đề đó.
Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
Ở các công ty khởi nghiệp, bạn cũng có thể nhận được câu hỏi tương tự như “Có sẵn sàng để nhận các lợi ích khác hay cổ phần để đổi lấy việc nhận mức lương thấp hơn không?”
Để trả lời câu hỏi này, bạn nên thực hiện một số nghiên cứu để tìm ra mức lương chung cho vị trí cũng như mức độ kinh nghiệm của bạn và có một con số trong đầu trước khi phỏng vấn. Bạn cũng nên có một lời giải thích rõ ràng và thuyết phục cho lý do tại sao bạn xứng đáng với mức lương đề nghị đó.
Bạn không thích làm việc với kiểu sếp và đồng nghiệp nào nhất, tại sao?
Nếu bạn thừa nhận là mình không thấy thoải mái khi phải làm việc với đồng nghiệp lười biếng, chậm chạp, ích kỷ hay cảm thấy khó khăn nếu sếp cứ thúc giục bên cạnh thì khả năng cao là bạn sẽ không tạo được ấn tượng tốt. Bởi trong các doanh nghiệp, hợp tác cùng đồng nghiệp hay làm việc độc lập là những kỹ năng mà nhân viên nào cũng cần phải có. Vậy nên nếu bạn gặp câu hỏi này, hãy bình tĩnh để đưa ra câu trả lời theo hướng tích cực nhất có thể.
Đừng vạch ra hàng loạt những điểm bạn không thích ở người khác. Thay vào đó, hãy nói với nhà tuyển dụng rằng, mỗi người đều có ưu điểm cũng như điểm chưa tốt. Việc hợp tác với người khác cần dựa trên thái độ cầu tiến, bổ sung và hỗ trợ nhau. Cho dù cảm thấy không hợp về mặt tính cách nhưng nếu là cùng một nhóm, bạn vẫn luôn sẵn sàng hợp tác cùng mọi người nhằm mang đến kết quả tốt nhất cho công việc. Đây chính là lúc bạn thể hiện sự linh hoạt cần thiết để làm việc với nhiều kiểu người khác nhau và thích ứng nhanh với mọi tình huống.
Đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn?
Một câu hỏi thú vị nhưng nếu không cẩn thận, câu trả lời có thể khiến bạn trông thật xấu xí. Có lẽ bạn biết rằng bản thân rất ít khi đúng giờ hoặc không thích làm việc nhóm nhưng đây không phải là lúc để nói về những điều này. Cách trả lời nên có là tập trung vào điều bạn muốn làm thay vì những việc bạn làm kém. Bạn có thể cho nhà tuyển dụng biết rằng mình đang cố gắng cải thiện kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, lên kế hoạch công việc hay kỹ năng ra quyết định… Một câu trả lời thành thật nhưng mang ý nghĩa tích cực và cho thấy sự cố gắng trau dồi bản thân sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Huyền Nguyễn
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply