Phần căng thẳng nhất trong quá trình tìm kiếm việc làm chính là ngồi trước nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Bạn cần phải nổi bật và tạo ấn tượng với họ, nhưng chỉ nên bằng các hành động tích cực.
Với ý nghĩa đó, bạn cần tránh nói 7 điều sau đây.
“Tôi không thích công việc trước đây vì…”
Có thể bạn đã rời bỏ công ty trước đây vì không có một người quản lý tốt hay môi trường không lành mạnh. Tuy nhiên, khi đang phỏng vấn cho một công việc mới, đừng bao giờ nói xấu về nơi làm việc cũ. Một thái độ tiêu cực có thể khiến bạn trông “xấu xí” và khó gần. Người phỏng vấn sẽ nghĩ rằng bạn cũng sẽ nói những điều không hay về họ nếu một ngày nào đó bạn rời khỏi công ty của họ. Dù có bất cứ điều gì xảy ra ở công việc trước đây của bạn, hãy giữ thái độ tích cực. Nếu bạn được yêu cầu giải thích lý do rời đi, hãy thể hiện sự tôn trọng. Hãy thực hành câu trả lời trước khi phỏng vấn. Rất có thể người phỏng vấn của bạn sẽ hiểu và ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của bạn.
“Tôi chưa được thử thách đúng mức”
Vì một số lý do, nhiều ứng viên nghĩ rằng cụm từ này làm cho họ nghe giống như một người chăm chỉ. Trên thực tế, đó là một trong những điều không nên nói nhất. Họ có thể cho rằng bạn sẽ chán và bỏ việc sau một vài tháng bởi vì bạn không cảm thấy đủ thách thức ở vị trí mới. Ngay cả khi bạn thực sự cảm thấy tiềm năng của mình đang bị lãng phí, hãy nhớ rằng các nhà quản lý đang tìm kiếm những cá nhân có thể thử thách bản thân và đưa ra giải pháp chứ không phải là người hay tạo ra rắc rối.
Nếu lý do bạn không cảm thấy được thử thách là vì không có cơ hội thăng tiến và bạn đang đảm nhận trách nhiệm cao nhất, thì có thể nói rằng “Không có nhiều cơ hội để phát triển hay thăng tiến trong công việc trước đây của tôi”.
“Công ty của anh/chị làm gì?”
Có một quy tắc chung cần thực hiện trong các cuộc phỏng vấn xin việc, đó là: những điều gì bạn có thể tìm kiếm trên Google thì đừng bao giờ hỏi nhà tuyển dụng. Nếu bạn không biết nhiều về công ty thì nên nghiên cứu và tìm hiểu mọi thứ có thể trước khi phỏng vấn. Điều này không chỉ giúp bạn có nhiều thông tin hơn mà còn có thể đưa ra những câu hỏi sâu hơn. Nếu làm tốt bạn sẽ tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng và có được buổi phỏng vấn ý nghĩa hơn.
“Tôi được nghỉ bao nhiêu ngày?”
Mọi người đều thích các kỳ nghỉ và đây là điều mà tất cả chúng ta nên có bởi nó rất tuyệt vời! Tuy nhiên, hỏi về chính sách nghỉ phép và liệt kê những ngày bạn cần nghỉ trong cuộc phỏng vấn là một điểm trừ rất lớn. Nhà tuyển dụng sẽ không muốn chọn một người chỉ quan tâm đến các kỳ nghỉ. Họ muốn tuyển một người làm việc chăm chỉ và tận tâm với công việc. Hỏi về chính sách nghỉ phép trước khi nhận được công việc không thể hiện được tinh thần cống hiến của bạn.
“Tôi làm việc chăm chỉ”
Một câu hỏi thường được hỏi trong cuộc phỏng vấn là “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”. Câu hỏi này rất khó để trả lời và tạo được ấn tượng tốt. Thế nhưng dù bạn có làm gì thì đừng trả lời kiểu như “Điểm yếu của tôi là làm việc quá chăm chỉ” hay “Điểm yếu của tôi là quá ngăn nắp”… Thay vào đó, hãy cho người phỏng vấn biết rằng bạn nhận thức được điểm yếu của mình. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng thể hiện những điểm yếu của mình theo cách “giết chết” cơ hội nhận được việc, mà hãy đề cập đến điểm yếu, sau đó giải thích cách bạn khắc phục và biến nó thành điểm mạnh. Điều này sẽ cho người phỏng vấn biết rằng bạn biết được những thiếu sót của mình và không ngừng cải thiện chúng.
“Tôi sẽ kinh doanh riêng”
Khi nhà tuyển dụng nghe rằng bạn muốn bắt đầu kinh doanh riêng, ngay lập tức họ sẽ cảnh giác với bạn hơn. Họ bắt đầu nghĩ rằng bạn sẽ không gắn bó lâu dài với công ty và điều đó trở thành một trong những mối quan tâm chính của họ về bạn. Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn chọn người sẽ gắn bó và phát triển cùng với công ty. Tuyển dụng là một công việc tốn kém và họ muốn giữ chân bạn càng lâu càng tốt. Dĩ nhiên không có gì sai khi muốn kinh doanh riêng nhưng nếu bạn dự định làm điều đó trong tương lai, thì đừng tiết lộ thông tin đó ngay trong buổi phỏng vấn xin việc.
“Tôi không có câu hỏi nào”
Bạn đã ngồi trong cuộc phỏng vấn xin việc được một lúc, mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ và đột nhiên người phỏng vấn dừng lại và hỏi “Bạn có câu hỏi nào không?”. Đây sẽ là một khoảnh khắc bối rối đối với nhiều người và một số sẵn sàng nói “Không”. Nếu trả lời “Tôi không có bất kỳ câu hỏi nào”, có khả năng bạn là người không quan tâm đến doanh nghiệp, sự nghiệp của mình hoặc có thể là cả hai. Tất nhiên, điều này không giúp bạn “lấy lòng” được nhà tuyển dụng. Do đó, hãy chuẩn bị một số câu hỏi phù hợp. Thông thường, có hai tùy chọn mà bạn có thể áp dụng. Nếu bạn được phỏng vấn bởi nhân viên nhân sự, câu hỏi của bạn nên tập trung nhiều hơn vào quy trình và chính sách của doanh nghiệp. Nếu bạn được phỏng vấn bởi người quản lý nhóm, nên hỏi về vai trò và công việc mà các đồng nghiệp tương lai của bạn đang thực hiện.
Đặng Hảo
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply