Thư xin việc là điều bắt buộc trong quy trình nộp đơn ứng tuyển vì chúng cho bạn cơ hội thể hiện các kỹ năng của mình ngoài bản CV truyền thống. Nếu viết tốt, thư xin việc có thể giúp bạn có được một lời mời phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Nhưng nếu bạn phạm phải những sai lầm sau đây thì bạn sẽ không bao giờ có được cuộc hẹn đó.
Lời nói dối
Mọi thông tin đều có thể được kiểm tra và lời nói dối là căn cứ để nhà tuyển dụng loại bỏ bạn khỏi danh sách các ứng viên tiềm năng. Do đó, hãy chắc chắn rằng thư xin việc phản ánh chính xác trình độ của bạn cho công việc. Đừng tô điểm lịch sử công việc hoặc bằng cấp của bạn. Nhà tuyển dụng có thể kiểm tra với người tham khảo và công ty bạn đã làm việc trước đó.
Mức lương yêu cầu hoặc kỳ vọng
Đừng đưa vào thư xin việc các yêu cầu về lương hoặc kỳ vọng trừ khi nhà tuyển dụng hướng dẫn làm như vậy. Bạn cần chứng minh cho họ thấy sự quan tâm của bạn đối với công việc và không nên tạo cảm giác như tiền là động lực chính đối với bạn. Sẽ luôn là lựa chọn khôn ngoan nếu bạn để cho nhà tuyển dụng đề cập đến mức lương trước, nếu có thể.
Thông tin không liên quan đến công việc
Không nên viết vào thư xin việc bất kỳ thông tin nào không liên quan trực tiếp đến khả năng và kỹ năng của bạn cho công việc ứng tuyển hoặc lý do tại sao bạn bị hấp dẫn bởi vị trí này. Bởi các thông tin đó có thể làm nhà tuyển dụng phân tâm khỏi các thông điệp cốt lõi của bạn. Thay vì viết một lá thư chứa đầy thông tin không liên quan, bạn nên viết một lá thư xin việc ngắn gọn nhưng đi vào trọng tâm chính.
Bất cứ điều gì cho thấy vị trí ứng tuyển như một bước đệm
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều tìm kiếm những ứng viên có động lực để thực hiện công việc trong một khoảng thời gian dài. Do đó, việc bạn đề cập đến sự phát triển trong tương lai và chỉ xem công việc đang ứng tuyển chỉ là bước đệm cho mục tiêu đó có thể khiến họ tin rằng bạn sẽ không gắn bó với công việc lâu dài. Tất nhiên, cũng có ngoại lệ nếu nhà tuyển dụng đang cần gấp nhân sự cho các nhiệm vụ đang trong giai đoạn quan trọng.
Những gì bạn không muốn
Đừng đề cập bất cứ điều gì bạn không thích về công việc, lịch trình, tiền lương hoặc điều gì khác. Hãy giữ lại những ý nghĩ đó cho tới khi bạn được mời làm việc và cần đàm phán. Có rất nhiều ứng viên cho mỗi công việc đăng tuyển và những người nhận được các cuộc phỏng vấn sẽ là ứng viên không có các “đòi hỏi”.
Những thiếu sót mà bạn đang có
Không nên đề cập đến bất kỳ kỹ năng hoặc trình độ mà bạn không có. Thư xin việc không phải là nơi để đưa ra bất kỳ thiếu sót nào. Thay vào đó, hãy sử dụng thư xin việc như một cơ hội để quảng bá bản thân, cho nhà tuyển dụng thấy tại sao các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn phù hợp hoàn hảo với vị trí này. Cần nhớ rằng thư xin việc không phải chỉ nói về bạn, mà còn là về công ty bạn muốn làm việc và lý do tại sao bạn phù hợp với họ. Hãy làm họ phấn khích với những gì bạn mang đến và họ sẽ ít chú ý hơn đến những trải nghiệm bạn không có.
Từ ngữ thể hiện sự khiêm tốn hoặc tâng bốc quá mức
Bạn cần truyền đạt sự tích cực trong thư xin việc nhưng hãy làm điều đó một cách thực tế. Nói về thành tích và kết quả đạt được nhưng nên tránh sử dụng các tính từ mô tả bản thân thể hiện sự kiêu ngạo hoặc tự phụ.
Những đoạn văn dài dòng
Không nhà tuyển dụng nào muốn đọc một “sớ” văn bản dài dòng, đặc biệt là khi họ đang “quét” để tìm từ khóa. Vì vậy, hãy giữ thư xin việc của bạn ngắn gọn và giới hạn trong một trang A4 duy nhất. Điều này có nghĩa là bạn phải súc tích trong những gì bạn nói. Đơn giản, dễ hiểu là tốt nhất. Hãy mô tả kinh nghiệm và trình độ của bạn, nêu bật cách chúng đáp ứng các yêu cầu chính của công việc ứng tuyển và sau đó đi đến kết luận. Đôi khi nhiều từ hơn không nhất thiết là tốt hơn.
Viết thư xin việc sao cho chuẩn mực, hấp dẫn và gây ấn tượng là cả một nghệ thuật nhưng đây vẫn là một vũ khí lợi hại giúp bạn vượt lên nhiều ứng viên để có thêm điểm cộng cho mình. Vậy nên, hãy đầu tư thời gian và chất xám để có được những lá thư xin việc thông minh, hiệu quả và sắc sảo cho quá trình tìm việc, chúc bạn thành công!
Ngân Linh
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply