Giống như một bản CV, viết đơn xin việc làm cũng là một trong những phần khó khăn nhất trong quá trình tìm kiếm việc làm. Nó không chỉ đòi hỏi sự chú ý nghiêm ngặt đến từng chi tiết mà còn tập trung vào việc “tiếp thị” bản thân một cách hiệu quả với những người bạn chưa từng gặp trước đây chỉ trong vài đoạn văn ngắn ngủi. Để giảm bớt áp lực và tiết kiệm thời gian, bạn có thể sẽ dựa vào một số cụm từ hoặc từ ngữ có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ lá đơn nào khác, nhưng chúng lại là những điều mà nhà tuyển dụng “ngán ngẩm”. Nếu đơn xin việc làm của bạn có 7 cụm từ sau đây, đã đến lúc loại bỏ chúng và thay thế bằng những từ khác để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng tiềm năng.
“Tôi tên là…”
Theo định dạng chuẩn thì tên đầy đủ của bạn sẽ được đặt trong phần đầu và phần chữ ký của đơn xin việc làm. Thế nên, bạn không cần lặp lại trong nội dung chính. Thay vì bắt đầu thư bằng một lời giới thiệu không cần thiết, hãy đi thẳng vào phần cốt lõi về những gì bạn muốn trình bày. Điều này giúp bạn trông tự tin hơn và bạn cũng có nhiều không gian hơn để đưa vào các thông tin mà nhà tuyển dụng thực sự muốn đọc.
“Tôi viết thư này để xin ứng tuyển vào…”
Nếu bạn đang gửi thư xin việc, hiển nhiên rằng bạn đang muốn có một cơ hội việc làm. Thay vì sử dụng cụm từ cho thấy bạn có một chút khép nép này để đề cập đến vị trí ứng tuyển, hãy đặt tiêu đề công việc vào phần lập luận của bạn. Nên tránh viết “Tôi viết đơn này để ứng tuyển vào vị trí Quản lý chăm sóc khách hàng” như thường thấy ở các đơn xin việc mẫu, mà thay vào đó là “Năm năm kinh nghiệm làm nhân viên chăm sóc khách hàng, cùng với chứng nhận quản lý dự án có được giúp tôi tự tin ứng tuyển vào vai trò Quản lý chăm sóc khách hàng của quý công ty”.
“Tôi nghĩ…”
Khi bạn đang viết điều gì đó trong thư xin việc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, rõ ràng đó là những gì bạn nghĩ. Thế nên cụm từ này không có bất cứ ý nghĩa nào ngoài việc làm giảm sức mạnh ngôn từ của bạn và cho thấy bạn đang thiếu tự tin – điều bạn không nên thể hiện với bất cứ nhà tuyển dụng nào.
“Như anh/chị có thể thấy trong CV của tôi…”
Nếu một số thông tin nhất định về bạn có sẵn trong CV thì bất cứ ai đã đọc qua sẽ biết điều đó, thế nên đây là cụm từ không nhất thiết phải có trong mẫu đơn xin việc viết tay hoặc đánh máy. Hơn nữa, nó còn mang một chút cảm giác rằng bạn đang tỏ ra là “kẻ bề trên”. Vì vậy, thay vì viết “Như anh/chị có thể thấy trong CV, tôi đã có 5 năm kinh nghiệm làm quản lý bán hàng”, thì chỉ cần nói “Tôi đã làm việc ở vị trí quản lý bán hàng trong 5 năm”. Điều này cung cấp cho bạn nhiều không gian hơn để chia sẻ các kỹ năng tuyệt vời bạn đã tích lũy được trong công việc.
“Suy nghĩ sáng tạo”
Thay vì sử dụng “sáo ngữ” này để mô tả về bản thân và không cung cấp bất cứ giá trị nào cho nhà tuyển dụng, hãy mô tả về những lần sáng tạo mà bạn đã thực hiện ở vị trí của mình. Đó có thể là các giải pháp hay, các sáng kiến mà bạn đã đưa ra và kết quả khả quan đạt được từ sự thay đổi. Đây là những điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn được nhìn thấy.
“Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời”
Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời của bạn nên được thể hiện thông qua việc viết một lá thư xin việc nổi bật. Cụm từ này quá chung chung đến nỗi không ai có thể suy luận được bất cứ điều gì về bạn từ nó. Thay vì mô tả bản thân bạn là một người giao tiếp tuyệt vời – điều mà rất nhiều người sẽ nói về bản thân họ – hãy liệt kê các kỹ năng cụ thể mà bạn có được liên quan đến giao tiếp hiệu quả, nhất là khi chúng được đề cập trong mô tả công việc.
“Hoàn toàn phù hợp”
Quy trình nộp hồ sơ xin việc và phỏng vấn là con đường hai chiều, nơi mà ứng viên và nhà tuyển dụng cùng tìm hiểu về nhau và quyết định lẫn nhau. Gửi đơn xin việc làm chỉ là bước tiếp cận đầu tiên về vai trò và bạn không biết liệu rằng công việc có phù hợp với bạn không và mức độ phù hợp như thế nào. Do đó, nếu cho rằng mình “hoàn toàn phù hợp” ngay từ khi mới viết thư xin việc thì có lẽ bạn đang quá khoa trương về bản thân, mà điều này không phải là phẩm chất nhà tuyển dụng yêu thích ở ứng viên. Thay vì cho rằng bản thân là sự phù hợp hoàn hảo cho vai trò, hãy mô tả về những trải nghiệm khiến bạn đủ điều kiện cho công việc và thể hiện sự quan tâm về cách bạn có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Pha Lê
Cẩm Nang Việc Làm
Leave a Reply