Trong quá trình tìm việc, hầu hết các câu hỏi phỏng vấn xin việc đều có thể được chuẩn bị và luyện tập. Tuy nhiên, sẽ có một số câu hỏi khiến bạn bất ngờ, bối rối thậm chí hoang mang. Việc nắm bắt những câu hỏi không mong đợi này là điều cần thiết để bạn thực hiện tốt cuộc phỏng vấn và vượt qua các ứng viên khác để có được công việc. Vậy chính xác thì bạn nên làm gì khi gặp những câu hỏi phỏng vấn khó này? Dưới đây là 7 mẹo về cách thực hiện.
Gợi ý về cách ứng xử khi gặp câu hỏi phỏng vấn xin việc khó
Giữ bình tĩnh
Lo lắng khi tham gia phỏng vấn xin việc là điều bình thường và bạn có thể thấy tim mình đập thình thịch sau khi nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi khó nhằn mà bạn không biết phải trả lời như thế nào. Lúc này, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh để có thể suy nghĩ thấu đáo và đưa ra câu trả lời thông minh. Hít một vài hơi thở sâu và thư giãn cơ thể. Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận thấy nếu bạn tỏ ra căng thẳng và điều đó sẽ không tạo được ấn tượng tốt.
Xem xét động cơ đằng sau câu hỏi
Khi đối mặt với một câu hỏi phỏng vấn xin việc khó, hãy xem xét động lực thực sự đằng sau câu hỏi là gì. Nếu bạn nhận được một yêu cầu lạ như “Nếu ví mình là một loài động vật, bạn nghĩ mình sẽ là loài động vật nào?”. Lý do đằng sau câu hỏi có thể không liên quan gì đến việc nhà tuyển dụng muốn biết bạn muốn trở thành loài vật nào.
Thay vào đó, những gì họ muốn biết là tính cách của bạn ra sao. Họ có thể đánh giá rằng bạn là một người mạnh mẽ, táo bạo nếu câu trả lời của bạn là một con cá mập trắng hoặc lười biếng nếu bạn trả lời là một con lười. Đành rằng đây là những câu trả lời phóng đại nhưng chúng sẽ giúp tiết lộ những vấn đề còn tiềm ẩn về con người của bạn.
Trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác
Một cách khác là trả lời một câu hỏi phỏng vấn xin việc hóc búa bằng một câu hỏi khác. Nếu bạn muốn làm rõ, hãy hỏi lại. Nếu câu hỏi không quá hóc búa mà chỉ mơ hồ (chẳng hạn như “Hãy nói một chút về bản thân bạn”), bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng muốn biết về nền tảng học vấn, kinh nghiệm làm việc của bạn hay cả hai. Bằng cách này, bạn có thể dành cho mình một vài phút để chuẩn bị câu trả lời.
Đừng sợ phải tạm dừng
Khi nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi, hầu hết các ứng viên đều cố gắng đưa ra câu trả lời ngay lập tức để tỏ ra có khả năng. Tuy nhiên, điều khôn ngoan là nên tạm dừng một chút sau khi câu hỏi phỏng vấn xin việc được đặt ra để suy nghĩ về đáp án, sau đó trả lời một cách tự tin và thông minh nhất. Nhà tuyển dụng không mong đợi bạn là con rô bốt với được lập trình sẵn có thể đưa ra câu trả lời ngay sau khi một câu hỏi được đặt ra.
Nếu dành một hoặc hai phút để suy nghĩ về câu trả lời thay vì nói điều gì đó vô nghĩa, bạn sẽ thấy rằng nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng nhiều hơn và cơ hội được tuyển dụng của bạn sẽ cải thiện.
Có sự tự tin
Khi đưa ra suy nghĩ cho một câu hỏi phỏng vấn xin việc hóc búa từ nhà tuyển dụng, bạn nên tự tin vào câu trả lời của mình. Trả lời một cách rõ ràng, mạnh mẽ để cho thấy bạn hiểu những gì mình đang nói. Nếu bạn nhận được lời mời phỏng vấn, chắc hẳn công ty hoặc nhà tuyển dụng đã thích điều gì đó ở CV hoặc thư xin việc của bạn. Do đó, hãy tự tin vào bản thân và khả năng của mình, nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến bạn.
Trung thực
Khi được hỏi những câu hỏi khó, bạn có thể bị thôi thúc đưa ra câu trả lời mà nhà tuyển dụng muốn nghe để tăng cơ hội được tuyển. Tuy nhiên, nói dối trong một cuộc phỏng vấn xin việc có thể là một trong những điều tồi tệ nhất mà bạn có thể làm. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn một câu hỏi về công việc bạn đang ứng tuyển, hãy thành thật nếu bạn không biết câu trả lời. Nếu bạn cố gắng “bịa” ra điều gì đó, rất có thể họ sẽ biết và bạn sẽ bị đánh giá là thiếu trung thực.
Khi trả lời rằng mình không biết câu trả lời cho một câu hỏi phỏng vấn xin việc, hãy kèm theo câu “nhưng tôi sẵn sàng học hỏi”. Thể hiện rằng bạn là một người trung thực, có thiện chí sẽ giúp tăng cơ hội được tuyển dụng hơn là “bịa” ra câu trả lời.
Giữ óc hài hước
Khi bạn gặp một câu hỏi khó, hãy cố gắng giữ một cách tiếp cận vui vẻ. Nếu bạn hoàn toàn căng thẳng, nhà tuyển dụng có thể cảm thấy rằng bạn sẽ không thể giải quyết được căng thẳng trong công việc. Nếu có thể, hãy cười một chút.
Nếu bạn có thể duy trì khiếu hài hước và vẫn trò chuyện bình tĩnh, bạn sẽ tạo ấn tượng tích cực hơn, ngay cả khi bạn không thể trả lời một câu hỏi phỏng vấn xin việc đặc biệt khó. Điều này cho thấy bạn chịu được áp lực và có thể đương đầu với thách thức.
Mặc dù bạn không thể trả lời 100% các câu hỏi, nếu bạn dễ mến, nhà tuyển dụng vẫn sẽ chú ý đến bạn. Họ, cũng như bạn, đều muốn làm việc với một người có tính cách hòa đồng. Điều này có thể quan trọng hơn kiến thức hoặc kinh nghiệm, vì bạn sẽ làm việc cùng nhau hàng ngày.Khi bạn có thể xây dựng mối quan hệ và có một chút hài hước, ngay cả khi bối rối, bạn cho thấy rằng bạn là một người dễ gần. Mọi người đều có những khó khăn riêng, cách mà bạn đối phó với những thời điểm đó sẽ cho thấy bạn thực sự là người như thế nào.
Huỳnh Trâm
Phỏng vấn việc làm
Leave a Reply