Tự nhận thức là một chủ đề phổ biến trong tâm lý học nhưng nó cũng có nhiều ứng dụng trong việc lập kế hoạch và định hướng nghề nghiệp. Nhận thức về bản thân được định nghĩa là sự hiểu biết mà bạn có được về các khía cạnh khác nhau trong tính cách bao gồm ưu khuyết điểm, niềm tin, sở thích, động lực thúc đẩy và cảm xúc của bạn. Quá trình này giúp bạn hiểu bản thân mình hơn để lựa chọn một ngành nghề hoặc công việc phù hợp.
Việc nhận thức rõ hơn về bản thân có thể là điều rất khó khăn, đặc biệt nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu. Vậy nên các nhà tâm lý học đã tìm ra các kỹ thuật khác nhau nhằm mục đích đưa bạn đến với nơi sâu thẳm của bản thân. Một trong những cách đó chính là sử dụng mô hình cửa sổ Johari.
Cửa sổ Johari là gì?
Là một mô hình giao tiếp, cửa sổ Johari giúp nâng cao sự hiểu biết về chính bạn thông qua phản hồi của người khác, tập trung vào các kỹ năng mềm, hành vi, sự thấu hiểu, sự hợp tác, cảm xúc, kinh nghiệm, quan điểm, thái độ hay động lực thúc đẩy… Cửa sổ này bao gồm 4 phần với những nội dung khác nhau như sau:
– Khu vực mở: là những điều bạn đã biết về bản thân và người khác biết về bạn.
– Khu vực mù: bao gồm điều bạn không biết về mình nhưng người khác lại biết rất rõ
– Khu vực ẩn: đại diện cho điều bạn biết về mình nhưng người khác lại không biết, những điều bạn chưa muốn bộc lộ
– Khu vực đóng: là những dữ kiện mà bạn và người khác đều không nhận biết qua vẻ bề ngoài nên để có dữ kiện cho ô cửa sổ này, bạn cần giao tiếp và trao đổi (nhất là ở các nhóm
nhỏ) nhằm khám phá nhiều hơn các thông tin còn tiềm ẩn.
Vậy nên, khi bạn và người đáng tin cậy cùng chia sẻ các thông tin trên một cách chân thành, bạn sẽ có được bức tranh rõ ràng hơn về bản thân và nhận ra được mình là ai và bạn cần những gì, từ đó có thể tự đưa ra các quyết định về lựa chọn nghề nghiệp hoặc chia sẻ để người khác có thể hỗ trợ bạn. Bạn càng mở lòng thì lời khuyên bạn nhận được càng chính xác và hợp với thực tế hơn.
Bên cạnh cửa sổ Johari, còn có nhiều cách phổ biến khác mà bạn có thể áp dụng nhằm nâng cao nhận thức về bản thân mình, chẳng hạn như:
Nhìn về quá khứ
Các chuyên gia việc làm thường khuyên bạn xem xét sở thích để đánh giá chính mình. Mặc dù điều này hiệu quả nhưng cách tiếp cận tốt hơn là nhìn lại quá khứ, bạn sẽ biết được điều gì khiến bạn trở thành người như hôm nay, những nơi nào bạn đã từng đi qua, bạn đã gặp gỡ những ai và bạn được trải nghiệm những điều gì. Qua đó, bạn cũng sẽ rút ra được nhiều điều về khả năng, năng khiếu, sở thích… giúp ích cho việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Có lẽ sẽ mất một thời gian dài nhưng nếu bạn nghiêm túc trong việc hiểu được chính mình thì thời gian bỏ ra thật đáng giá.
Tạo nhật ký phản chiếu
Một cách hiệu quả khác cũng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân chính là trải nghiệm nhiều công việc hoặc tham gia vào các hoạt động tình nguyện khác nhau. Dù đó là việc gì, hãy viết ra những điều bạn đã làm, điều gì đã xảy ra và bạn cảm nhận gì về nó. Có thể bạn không thể nói mình thích nhất hoạt động nào trong số đó nhưng khi đọc những điều này, bạn sẽ có một ý tưởng rõ ràng hơn về nhu cầu và khả năng của mình.
Tự vấn bản thân
Tự đặt câu hỏi cũng là một cách phổ biến để khám phá bản thân và tìm hiểu chính mình. Việc thường xuyên đặt các câu hỏi: Tại sao bạn hành động theo cách đã làm? sẽ giúp bạn phân tích và nhận thức sâu sắc hơn về bản thân trong các vấn đề sau:
– Bạn kết nối với mọi người thế nào?
– Bạn làm việc độc lập hoặc theo nhóm ra sao?
– Bạn đối phó với căng thẳng như thế nào?
– Cách bạn quản lý thời gian, sắp xếp công việc thế nào?
– Bạn thích làm việc như thế nào?
Trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp, việc hiểu được chính mình là điều quan trọng vì quyết định nghề nghiệp là của bạn và quyết định đó nên phù hợp với sở thích, giá trị, kỹ năng, kinh nghiệm và mục đích của bạn. Nếu không, bạn sẽ không thể tận hưởng giá trị đích thực của công việc mà bạn đã chọn.
Hoàng Oanh
Cẩm Nang Việc Làm