Thực hiện việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ cây lúa sang trồng đào, quất, cây cảnh, những năm qua, ngành nông nghiệp ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang có những chuyển biến rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Sỹ Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn cho biết, trên địa bàn hiện nay có 6 thôn, trong đó có 4 thôn chuyên trồng đào, quất và cây cảnh.
Theo ông Chức, trước kia người dân xã Hợp Lý chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng không cao. Kể từ năm 2000, người dân bắt đầu học các trồng các loại cây mới như quất, cây ăn quả.
Đến năm 2012, nhận thấy cây đào tại vùng đất xã Xuân Du (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) mang lại thu nhập cao, nhiều hộ dân xã Hợp Lý cũng triển khai mô hình trồng đào, tuy nhiên còn manh mún, nhỏ lẻ.
Khoảng vài năm trở lại đây, để phát huy hiệu quả kinh tế, đưa cây đào trở thành cây trồng mang thương hiệu, UBND xã Hợp Lý đã thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, thay đổi diện tích đồng ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào và cây ăn quả. Đồng thời, xây dựng các mô hình vườn cây kiểu mẫu.
“Sau thời gian thực hiện, đến nay toàn xã Hợp Lý đã thực hiện chuyển đổi hơn 150ha diện tích đất trồng lúa sang trồng đào, quất, cây cảnh. Trong đó, có hơn 50ha là trồng đào.
So với trồng lúa như trước kia, đào, quất, cây cảnh đang mang lại thu nhập cao cho người dân gấp nhiều lần. Chỉ tính riêng đào, cứ 1ha cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, hiện tổng doanh thu mỗi năm từ cây đào hơn 50 tỷ đồng”, ông Chức thông tin.
Ông Chức cho biết, trên địa bàn hiện nay có 800 hộ dân trồng đào, cây cảnh. Việc thay đổi cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.
“Từ khi thay đổi cơ cấu cây trồng, người dân không phải đi xa làm ăn, đời sống nâng lên rõ rệt so với việc trồng lúa như trước đây. Đặc biệt vào những vụ Tết, nhà ít cũng kiếm thu nhập khoảng 200 triệu đồng”, ông Chức chia sẻ.
Là một trong những hộ dân có thâm niên trồng đào ở địa phương, ông Lê Viết Trường (thôn Đông Thành, xã Hợp Lý) cho biết, gia đình ông đang trồng hơn 2ha đào và cây cảnh.
“Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về khoảng 1 tỷ đồng. So với trồng lúa thì cây đào mang lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần, cuộc sống được nâng lên rõ rệt”, ông Trường chia sẻ.
Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho biết, để phát triển mô hình trồng đào, những năm qua, địa phương đã xây dựng đề án, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng đào. Đặc biệt là loại đào thế.
“Chỉ trong 2 năm (2023 và 2024), diện tích trồng đào ở địa phương tăng đột biến mang lại hiệu quả cao. Huyện Triệu Sơn đang làm chỉ dẫn địa lý về cây đào, xây dựng chợ điện tử, tổ chức các lễ hội hoa đào để quảng bá vườn đào mang thương hiệu Triệu Sơn”, ông Tuấn thông tin.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm